NHỮNG CON SỐ KÉM MAY MẮN Ở NHẬT BẢN

NHỮNG CON SỐ KÉM MAY MẮN Ở NHẬT BẢN

2020.11.06

Tùy vào văn hóa, tín ngưỡng của mỗi quốc gia mà con người sẽ có những quan điểm khác nhau về con số may mắn cũng như con số xui xẻo. Ở Nhật Bản cũng vậy, có những con số đặc biệt được cho là có thể đem lại may mắn nhưng lại có những con số mà người ta kiêng kị, cố gắng không nhắc về nó. Vậy đó là những con số nào, hãy cùng nhau tìm hiểu nhé !

Ở Nhật, bắt nguồn từ việc tin tưởng rằng luôn tồn tại thứ sức mạnh, linh hồn bí ẩn trú ngụ bên trong mỗi ngôn từ  (言霊)mà người xưa cho rằng từ đồng âm không chỉ trùng nhau về phát âm mà còn khớp với nhau về linh hồn. Chính vì vậy, có một vài con số có cách phát âm đặc biệt được cho là sẽ mang lại những điều bất hạnh trong những trường hợp đặc biệt.

Trước hết ta phải kể đến số 4. Ở Việt Nam, con số này cũng được coi là con số xui xẻo bởi âm Hán Việt của nó là “TỬ” nghĩa là chết. Tương tự như vậy, số 4 ở Nhật có cách đọc là “shi” đồng âm với chữ  死 – chết hay cái chết . Chính vì vậy, người ta tạo ra 2 cách đọc cho số 4: “shi” và “yon”. Bất cứ khi nào có thể, người ta sẽ cố tránh không dùng cách đọc mang nghĩa chết chóc kia.

Đồng cảnh ngộ với số 4 là con số 9 với phát âm “ku” giống với phát âm của chữ 苦 – khổ sở, đau đớn. Giống như số 4, số 9 cũng có 2 cách phát âm “ku” và “kyu” để tiện sử dụng trong các hoàn cảnh khác nhau.

Ở Nhật, tại khách sạn hay các tòa nhà cao tầng, bạn có thể dễ dàng bắt gặp phòng 103 đặt cạnh phòng 105, tầng 3 kế tiếp tầng 5 hay trong thang máy không tồn tại nút số 4 hay nút số 9. Có thể thấy người Nhật kiêng kị những con số xui xẻo này như thế nào rồi đó!

Chưa kết thúc tại đây, số 4 hoặc 9 khi đi cùng những con số khác cũng sẽ tạo ra những cách đọc mang ý nghĩa, liên tưởng không được đẹp đẽ cho lắm, ví dụ như:

  • 42: phát âm giống /shi ni/ cùng phiên âm của chữ 死に – chết
  • 49: phát âm giống chữ 死苦 /shi ku/ – nỗi khổ do cái chết gây ra; 始終苦 /shi ju ku/ – luôn đau khổ;「轢く」/hiku/ – tông, cán, nghiến, chẹt qua
  • 42-19: phát âm là /shini iku/ – đi chết
  • 42-56: phát âm là /shini goro/ – sắp chết, thời điểm chết
  • 4989: phát âm giống 四苦八苦 /shikuhakku/- lao tâm khổ tứ
  • 43: số này đặc biệt kiêng kị ở bệnh viện nhi vì phát âm của nó giống死産 /shisan/ – chết non, chết yểu

Vì mang nhiều ý nghĩa không may mắn như vậy, nên bạn chú ý sử dụng những con số này vào đúng hoàn cảnh nhé. Dù sao tránh đi vẫn là tốt nhất.

Tại Nhật có nhiều người có hiểu biết hoặc theo đạo Thiên chúa giáo nên các con số 666 hay 13 cũng bị coi là con số xui xẻo ở đây. Họ cũng luôn hành động thật cẩn thận vào thứ 6 ngày 13 – “ngày thứ 6 đen tối” vì họ cho rằng vào ngày này rất dễ gặp phải điều đen đủi.

Một lưu ý nho nhỏ hơi liên quan đến vấn đề sử dụng số má khi ở Nhật Bản đó là tiền mừng cưới. Có thể bạn cũng biết, số chẵn là số có thể chia đôi được, chính điều này khiến người ta liên tưởng đến việc chia lìa, cách xa của đôi lứa. Do đó, khi mừng cưới, người Nhật thường tránh mừng tiền đầu chẵn mà hay mừng 5000 yên, 1 man hoặc 3 man yên để chúc cô dâu chú rể mãi hạnh phúc, không bao giờ xa rời nhau.

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu qua các con số bị cho là xui xẻo ở Nhật Bản. Bạn hãy lưu ý sử dụng chúng sao cho khéo léo để tránh việc vô tình làm phật ý người khác khi còn sinh sống tại nước bạn. Trong bài tiếp theo mình cùng tìm xem đâu là các con số may mắn nhé!