10 nguyên nhân khiến sự chênh lệch giàu – nghèo ở Nhật Bản càng trở nên rõ rệt(Phần 1)

10 nguyên nhân khiến sự chênh lệch giàu – nghèo ở Nhật Bản càng trở nên rõ rệt(Phần 1)

2021.02.15

Đã từ rất lâu, Nhật Bản được xem là một trong những cường quốc trên thế giới. Không chỉ có một nền kinh tế vững chắc mà Nhật Bản còn nắm giữ những thành tựu khoa học vô cùng tiên tiến của loài người trong những thập kỷ gần đây. Ngoài ra, người dân xứ sở hoa anh đào còn có mức sống và chỉ số phát triển con người rất cao.

Chính vì những lí do trên mà rất nhiều bạn trẻ trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang hướng tới những cơ hội được sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, đi kèm với những mặt tốt ở trên, hiện nay, Nhật Bản đang phải đối mặt với sự bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp.

Hiện nay, Hệ số gini của Nhật Bản là 29,9% (Hệ số Gini là hệ số dựa trên đường cong Lorenz chỉ ra mức bất bình đẳng của phân phối thu nhập giữa cá nhân và hệ kinh tế trong một nền kinh tế). Mặc dù 29,9% không ở ngưỡng quá cao nhưng cũng được coi là mức độ “cần được quan tâm” bởi các nhà hoạch định chính sách. Vì vậy, hôm nay, mình sẽ giới thiệu đến các bạn “10 nguyên nhân khiến sự chênh lệch giàu – nghèo ở Nhật Bản càng trở nên rõ rệt” để thấy được xã hội Nhật Bản ở nhiều khía cạnh nhất.

.

.

1. Bất bình đẳng trong giáo dục do sự chênh lệch giữa thu nhập của các hộ gia đình. 

Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự chênh lệch giàu – nghèo trong xã hội Nhật Bản chính là sự bất bình đẳng trong giáo dục giữa người giàu và người nghèo. Từ trước tới nay, Nhật Bản được coi là một quốc gia có hệ thống giáo dục khá nghiêm ngặt khi tất cả mọi người phải học xong bậc tiểu học (6 năm) và bậc trung học cơ sở (3 năm) thì mới được phép đi làm hoặc học tiếp bậc trung học phổ thông, đại học,… 
Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp bậc trung học cơ sở, con đường cho con học lên cao hơn của những hộ không có điều kiện kinh tế bền vững khá chông gai vì học phí khá cao. Ngược lại, vấn đề về kinh tế không phải là mối lo của những gia đình khá giả ở Nhật Bản. Việc cho con tiếp xúc với những môi trường giáo dục chất lượng cao từ rất sớm của những người giàu có là điều gần như đương nhiên. Vì vậy, sau này khi lớn lên, những đứa trẻ đó sẽ có nhiều cơ hội kiếm được công việc lương cao hơn những đứa trẻ sống trong điều kiện thiếu thốn về mặt kinh tế và giáo dục.

.

.

2. Sự già hóa về mặt dân số:

Nhật Bản là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới và tỷ lệ sinh ở mức thấp nhất. Theo ước tính, số người già từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản chiếm gần 40% tổng dân số vào năm 2060, tăng từ mức 28.4% vào năm 2018. Chính vì sự già hóa này đã khiến khoảng cách giàu – nghèo ở Nhật Bản đang dần trở nên rõ rệt.

Cho những bạn chưa biết, 60 là độ tuổi “được về hưu” theo quy định của hầu hết các công ty ở Nhật Bản. Nếu như ở Việt Nam, mọi người có thể “an tâm” sống với tiền lương hưu tuổi già của mình thì ở Nhật Bản, điều này lại hoàn toàn trái ngược.

Như đã đề cập ở trên, mức sống của người dân Nhật Bản rất cao, vì thế, chỉ dựa vào lương hưu thì không đủ, người già ở đây vẫn phải đi làm những công việc khác để kiếm sống và vô hình chung, họ trở thành những cá nhân có thu nhập thấp. Càng nhiều người già thì số lượng người nghèo trong xã hội càng nhiều, tốc độ tăng trưởng kinh tế càng chậm. Do đó, chênh lệch giàu – nghèo lại càng trở nên nghiêm trọng trong xã hội Nhật Bản.

.

.

3. Hệ thống trả lương theo thâm niên làm việc: 

Các doanh nghiệp ở Nhật Bản nổi tiếng với chế độ làm việc trọn đời, vì vậy, sẽ không quá bất ngờ khi tiền lương cũng như cơ hội được thăng tiến sẽ tỉ lệ thuận với thời gian làm việc của bạn. Nói một cách đơn giản hơn, càng làm lâu thì lợi ích càng nhiều.Chính vì lý do này mà tiền lương hay cơ hội thăng tiến của đa số các bạn trẻ mới ra trường ở Nhật Bản sẽ ít hơn nhiều so với các bậc “tiền bối” đã có “thâm niên làm việc” cho công ty. Thêm vào đó, sự chênh lệch trong hệ thống đãi ngộ này vô hình chung đã làm gia tăng số lượng người có thu nhập thấp ở Nhật Bản, khiến khoảng cách giàu – nghèo càng được kéo dãn theo thời gian.

Như chúng ta đã biết, lớp trẻ chính là tương lai của đất nước, tuy nhiên, những người trẻ ở Nhật Bản lại phải đối mặt với một “sức ì” khá lớn khi trọng trách thì nhiều mà chế độ đãi ngộ thì ít. Việc này cũng khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế trở nên thụt lùi vì hai lý do.

Một là người trẻ đã ít còn phải chịu mức thu nhập thấp, hai là người già đã nhiều còn tiêu tốn không ít phúc lợi xã hội của đất nước. Chung quy lại, hệ thống trả lương theo thâm niên làm việc của các công ty Nhật Bản đang có nhiều vấn đề cần phải được xem xét và sửa đổi, nếu không sẽ có rất nhiều hệ lụy cho xã hội.