10 nguyên nhân khiến sự chênh lệch giàu – nghèo ở Nhật Bản càng trở nên rõ rệt(Phần 3)

10 nguyên nhân khiến sự chênh lệch giàu – nghèo ở Nhật Bản càng trở nên rõ rệt(Phần 3)

2021.02.18

Đã từ rất lâu, Nhật Bản được xem là một trong những cường quốc trên thế giới. Không chỉ có một nền kinh tế vững chắc mà Nhật Bản còn nắm giữ những thành tựu khoa học vô cùng tiên tiến của loài người trong những thập kỷ gần đây. Ngoài ra, người dân xứ sở hoa anh đào còn có mức sống và chỉ số phát triển con người rất cao.

Chính vì những lí do trên mà rất nhiều bạn trẻ trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang hướng tới những cơ hội được sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, đi kèm với những mặt tốt ở trên, hiện nay, Nhật Bản đang phải đối mặt với sự bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp.

Hiện nay, Hệ số gini của Nhật Bản là 29,9% (Hệ số Gini là hệ số dựa trên đường cong Lorenz chỉ ra mức bất bình đẳng của phân phối thu nhập giữa cá nhân và hệ kinh tế trong một nền kinh tế). Mặc dù 29,9% không ở ngưỡng quá cao nhưng cũng được coi là mức độ “cần được quan tâm” bởi các nhà hoạch định chính sách. Vì vậy, hôm nay, mình sẽ giới thiệu đến các bạn “10 nguyên nhân khiến sự chênh lệch giàu – nghèo ở Nhật Bản càng trở nên rõ rệt” để thấy được xã hội Nhật Bản ở nhiều khía cạnh nhất.

.

.

7. Sự thay đổi trong thuế thu nhập: 

Hiện nay, loại hình thuế thu nhập được áp dụng tại Nhật Bản là thuế lũy tiến. Lý do cho sự ra đời của loại thế này khá đơn giản, nếu nhà nước áp dụng một mức thuế suất 10% cho tất cả người dân (đóng 10% thu nhập hàng tháng vào thuế thu nhập) thì điều này sẽ rất thiệt thòi cho những ai có thu nhập thấp và vô cùng có lợi đối với những ai có thu nhập cao.Vì vậy, để giúp thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo, các nhà hoạch định chính sách đã cho ra đời loại “Thuế lũy tiến” với một cách hiểu đơn giản: ai thu nhập thấp thì đóng ít, ai thu nhập nhiều thì đóng nhiều. Tuy nhiên, lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế, hình thức thuế thu nhập của Nhật Bản hiện nay chưa phát huy được chức năng đó.

Vào năm 1974, mức thuế lũy tiến cao nhất ở Nhật Bản là 75%. Tuy nhiên, kể từ đó, con số này bắt đầu giảm dần. Cụ thể, mức thuế suất cao nhất của năm 1987 là 70% và cho đến năm 2015, con số này chỉ còn dao động khoảng 45%. Mức thuế thu nhập giảm cũng đồng nghĩa với sự gia tăng tài sản của tầng lớp giàu có trong xã hội. Qua đó, khoảng cách giàu – nghèo ở Nhật Bản sẽ có xu hướng lan rộng và khó kiểm soát hơn trước.

.

.

8. Quy mô của các công ty Nhật Bản:  

Quy mô lớn hay nhỏ của một công ty cũng góp phần làm gia tăng khoảng cách giàu – nghèo trong xã hội Nhật Bản. Cụ thể, theo kết quả điều tra của Cục quản lý các doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2016, số tiền chênh lệch trong thu nhập hàng tháng giữa nhân viên chính thức của doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhân viên chính thức của doanh nghiệp có quy mô lớn là 80,000 yên. Sự khác biệt “đáng lưu tâm” này đã tồn tại hơn 20 năm qua ở Nhật Bản. Nếu chênh lệch thu nhập hàng tháng là 80,000 yên thì sau 1 năm, con số này sẽ rơi vào khoảng 960,000 yên.

Chưa hết, nếu chúng ta so sánh 2 nhân viên làm việc “trọn đời” ở 2 doanh nghiệp có quy mô khác nhau thì con số chênh lệch còn khổng lồ hơn. Khoảng thời gian trung bình một nhân viên làm việc “trọn đời” ở một công ty là 40 năm, nếu mỗi năm mức chênh lệch là 960,000 yên thì sau 40 năm, con số này sẽ thành 38,400,000 yên. Với tầm 40 triệu yên có trong tay, bạn hoàn toàn có thể mua được một ngôi nhà hoặc một căn chung cư tại Nhật Bản.

.

.

9. Số lượng gia đình đơn thân ngày càng tăng:   

Hiện nay, “ngưỡng nghèo” của các hộ gia đình đơn thân tại Nhật Bản đang ở mức thấp nhất trong số các nước phát triển trên thế giới. Theo lý thuyết, ngưỡng nghèo là mức tiêu tối thiểu, được xác định như tổng số tiền chi cho giỏ hàng tiêu dùng trong thời hạn nhất định, bao gồm một lượng tối thiểu lương thực thực phẩm và đồ dùng cá nhân, cần thiết để bảo đảm cuộc sống và sức khỏe một người ở tuổi trưởng thành, và các khoản chi bắt buộc khác. Hoặc hiểu một cách đơn đơn giản, ở mức ngưỡng nghèo nghĩa là tất cả tiền bạn làm ra được chỉ đủ ăn, đủ trả tiền phí sinh hoạt hàng tháng và không để ra được bất kỳ một khoản tiết kiệm hay tiêu vặt nào khác.

Tỉ lệ số gia đình đơn thân ở Nhật vào năm 2018 là 2,84% nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong 2,84% đó lên tới 50,8%. Nguyên nhân sâu xa của những con số trên chính là việc tìm một công việc phù hợp cho các bà mẹ đơn thân đang trở nên vô cùng khó khăn. Đa số các bà mẹ đơn thân không thể đi làm toàn thời gian như trước được bởi vì họ đều muốn tập trung vào việc chăm sóc và nuôi dạy con cái, tuy nhiên, không có công việc ổn định cũng đồng nghĩa với sự thất thường trong thu nhập của các hộ gia đình đơn thân này.

Đây cũng là lý do khiến tỷ lệ trẻ em được đi học cũng như tỷ lệ con cái học đại học ở các hộ gia đình đơn thân chỉ vỏn vẹn 23%. Và đến đây, câu chuyện lại trở về với 2 sự chênh lệch đã nêu ở trên: chênh lệch thu nhập và chênh lệch giáo dục.

.

.

10. Chênh lệch trong tốc độ tích lũy tài sản:  

Và nguyên nhân cuối cùng chính là do sự “chênh lệch tài sản” giữa các cá thể trong xã hội. Theo lý thuyết kinh tế, khi kinh tế phát triển thì khoảng cách giữa người lao động và nhà tư bản sẽ được thu hẹp. Tuy nhiên, trong cuốn sách “Chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ 21” của nhà kinh tế học nổi tiếng người Pháp, Thomas Piketty, ông cho rằng lý thuyết được nêu ở trên là hoàn toàn sai lầm.Lý do chính là sự khác nhau trong tốc độ tích lũy của cải của từng người trong xã hội. Cuốn sách “Chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ 21” đã chứng minh tốc độ tích lũy tài sản thông qua các hoạt động mua bán cổ phiếu, trái phiếu,…nhanh hơn rất nhiều so với các loại hình lao động thông thường. Nói cách khác, kinh tế phát triển không hề thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo, điều đó còn khiến bất công xã hội trở nên “đỉnh điểm” và “sâu sắc” hơn.

Một ví dụ đơn giản cho sự “chênh lệch trong tốc độ tích lũy tài sản” giữa người giàu và người nghèo là việc so sánh số tiền kiếm được của một doanh nhân từ sàn chứng khoán với số tiền kiếm được của một người lao động chân tay. Tất nhiên, đây là kết quả cũng “khá hiển nhiên” khi đi kèm với tiêu chuẩn “trình độ học vấn” nhưng chúng ta cũng phần nào thấy được một khoảng cách khá lớn giữa người giàu và người nghèo không chỉ ở Nhật nói riêng mà ở trên thế giới nói chung trong thời buổi hiện nay.