10 cách giúp giải tỏa căng thẳng khi đi xin việc và thuyết trình (PHẦN 1)

10 cách giúp giải tỏa căng thẳng khi đi xin việc và thuyết trình (PHẦN 1)

2020.11.28

Tham gia những cuộc phỏng vấn xin việc hay phải đứng thuyết trình trong một cuộc họp quan trọng chắc hẳn đã khiến biết bao người phải lo lắng và sợ hãi. Nỗi lo ấy hoàn toàn bình thường và việc chúng ta thất bại trong những “thử thách” ấy cũng vậy. Vì vậy, để giảm thiểu khả năng thất bại đó hết mức có thể thì hôm nay, mình sẽ đưa ra “10 cách giúp giải tỏa căng thẳng khi đi xin việc và thuyết trình” để bạn có đủ sự tự tin cần thiết cho những cuộc phỏng vấn, thuyết trình trong tương lai! 
Trong bài viết này, đi kèm với việc đưa ra những giải pháp, mình sẽ phân tích thêm về nguyên nhân của những “sự căng thẳng” bạn thường gặp trong khi phỏng vấn xin việc và thuyết trình để từ đó, chúng ta không chỉ có một cái nhìn đa chiều hơn, rõ ràng hơn.

 

1,Chuẩn bị bao nhiêu, tự tin bấy nhiêu:

Việc bạn chuẩn bị cho những cuộc phỏng vấn hay những bài thuyết trình không chỉ giúp bản thân tự tin hơn mà còn thể hiện một sự chuyên nghiệp, một tinh thần cầu thị trong mắt mọi người. Có thể nhiều người xem điều này là hết sức hiển nhiên và ai cũng biết nhưng có bao nhiêu bạn dám khẳng định mình đang “chuẩn bị” đúng cách?

Rất nhiều người “chuẩn bị” một cách qua loa và cho có trước khi phỏng vấn và thuyết trình. Có thể lấy một ví dụ cụ thể như việc không tìm hiểu kỹ về công ty cũng như các kỹ năng, kiến thức cần thiết cho vị trí bản thân đang hướng tới. Điều này vô hình chung làm bạn “bối rối” khi được hỏi bởi các nhà tuyển dụng và nếu sự “bối rối” đó xuất hiện trong những câu trả lời mang tính quyết định thì khả năng “thất bại” sẽ vô cùng cao. Vì thế, để chuẩn bị đúng cách, hãy:

 

・Thu thập các thông tin, kiến thức cần thiết cho buổi phỏng vấn hoặc thuyết trình.

・Luyện tập thuyết trình trước gương hoặc nhờ bạn bè “phỏng vấn” mình bằng những câu hỏi cơ bản.

 

 

2,Nói to và chậm rãi:

Một đặc điểm nữa của sự “căng thẳng” khi phỏng vấn và thuyết trình chính là cách các bạn truyền đạt thông tin với người đối diện không rõ ràng và rành mạch. Mặc dù bạn có năng lực đấy, có đủ các kiến thức cần thiết đấy, tuy nhiên, bạn lại không thể cho người ta biết những điều đó, đấy vẫn được coi là một sự thất bại. Vậy nên, trong khi phỏng vấn hay thuyết trình, bạn hãy:

 

Nói to, rõ ràng vì có thể sau một ngày dài làm việc, các vị giám khảo hay phỏng vấn viên đã quá mệt mỏi để nghe bạn lí nhí câu trả lời của mình rồi. 

・Nói chậm rãi, nhẹ nhàng để mọi người có thời gian tiếp nhận thông tin mà bạn muốn truyền tải.

 

 

3,Hít thở sâu:

Đây có thể coi là một vũ khí tuyệt vời để xua tan căng thẳng và mệt mỏi trong khi thuyết trình hoặc phỏng vấn xin việc. Tuy đây là một điều tưởng chừng như rất nhỏ nhưng lợi ích mà nó mang lại cho bạn lại không hề nhỏ một chút nào. Việc điều hòa lượng không khí đi vào trong cơ thể một cách nhịp nhàng và “đủ” không chỉ cải thiện tốc độ lưu thông máu để tránh mệt mỏi mà còn giúp bạn giải tỏa căng thẳng tại vùng não bộ. Không cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho cơ thể sẽ khiến bạn mệt mỏi nhanh chóng, tốc độ phản hồi chậm hơn và đặc biệt, giọng nói sẽ bị ngắt quãng, không được lưu loát.

 

Một ví dụ điển hình cho cách giải tỏa căng thẳng này chính là hình ảnh các võ sĩ Sumo khi bước lên khán đài đều dành ra một vài phút cho bản thân để hít thở sâu, hay những vận động viên trước khi thi đấu cũng vậy. Vì thế, hãy dành ra khoảng 5 phút trước khi phỏng vấn hoặc thuyết trình để luyện tập “Hít thở sâu” nhé! 

 

 

4,Căng thẳng vừa đủ và tâm thế hướng tới mục đích cuối cùng:

Như đã nói ở trên, căng thẳng là điều hoàn toàn bình thường và ai cũng có thể thông cảm được cho bạn. Có rất nhiều bất lợi của sự “căng thẳng” đã được kể đến trong nhiều bài viết, nhưng hôm nay, mình xin chỉ ra một mặt tốt của sự “căng thẳng”. Việc bạn “căng thẳng” sẽ khiến bản thân nhận thức được mức độ quan trọng của buổi phỏng vấn hay buổi thuyết trình, điều này sẽ khiến bạn cảm thấy có nhiều động lực hơn trong việc chuẩn bị cũng như mức độ “chau chuốt” trong từng câu chữ khi trả lời, diễn thuyết. Tuy nhiên, tất cả những mặt tốt đó sẽ chỉ xuất hiện khi bạn “căng thẳng vừa đủ”, nếu bạn “căng thẳng quá” thì hoàn toàn ngược lại.

 

Ngoài ra, tâm thế hướng tới mục đích cuối cùng cũng vô cùng quan trọng. Bạn không thể vì những lỗi sai mình mắc phải khi thuyết trình và phỏng vấn mà cảm thấy xấu hổ, mất động lực hay thậm chí bỏ cuộc giữa chừng được. Không ai trong chúng ta hoàn hảo cả và việc mắc sai lầm cũng là điều hết sức bình thường, vì vậy, hãy luôn trong tâm thế hướng tới mục đích cuối cùng của bản thân khi đi xin việc hoặc thuyết trình. 

 

 

5,Để ý những thứ xung quanh:

Bạn sẽ không thể biết được bản thân sẽ trông như thế nào khi căng thẳng cả, bạn chỉ có thể cố để ý từng cử chỉ nhỏ nhất của bản thân, từ lời nói thốt ra cho đến cách thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt. Điều đó lại càng trở nên căng thẳng và vô hình chung tạo nên một vòng tròn luẩn quẩn khiến bạn không thể thoát khỏi “áp lực” do chính mình tạo ra. Vì vậy, thay vì việc tập trung kiểm soát tất cả “đường đi nước bước” của cơ thể, hãy chuyển sự “tập trung” đó đến những thứ đang diễn ra xung quanh. 

 

Trước khi vào phỏng vấn bạn có thể nói chuyện, tương tác với những thí sinh khác hay để ý thái độ của ban lãnh đạo cũng như trao đổi với các đồng nghiệp xung quanh trước thềm của bài thuyết trình. Những cách giải tỏa đó không chỉ giúp bản thân cảm thấy “nhẹ nhàng” mà còn làm cho bầu không khí xung quanh trở nên “dễ dàng” hơn rất nhiều.