No Image

10 cách giúp giải tỏa căng thẳng khi đi xin việc và thuyết trình (PHẦN 2)

2020.11.28

Tham gia những cuộc phỏng vấn xin việc hay phải đứng thuyết trình trong một cuộc họp quan trọng chắc hẳn đã khiến biết bao người phải lo lắng và sợ hãi. Nỗi lo ấy hoàn toàn bình thường và việc chúng ta thất bại trong những “thử thách” ấy cũng vậy. Vì vậy, để giảm thiểu khả năng thất bại đó hết mức có thể thì hôm nay, mình sẽ đưa ra “10 cách giúp giải tỏa căng thẳng khi đi xin việc và thuyết trình” để bạn có đủ sự tự tin cần thiết cho những cuộc phỏng vấn, thuyết trình trong tương lai! 
Trong bài viết này, đi kèm với việc đưa ra những giải pháp, mình sẽ phân tích thêm về nguyên nhân của những “sự căng thẳng” bạn thường gặp trong khi phỏng vấn xin việc và thuyết trình để từ đó, chúng ta không chỉ có một cái nhìn đa chiều hơn, rõ ràng hơn.

 

6,Chia sẻ sự căng thẳng:

Sự căng thẳng xuất hiện “như cơm bữa” trong đời sống hàng ngày của mỗi người: căng thẳng khi đi hẹn hò lần đầu tiên, căng thẳng khi đợi kết quả thi hay căng thẳng khi được chuyển công tác sang một văn phòng mới,.. Vì thế, trước khi phỏng vấn, không chỉ có duy nhất bạn căng thẳng, các thí sinh khác cũng không thể tránh khỏi điều đó, khác biệt chỉ ở mức độ mà thôi. Và việc bạn “thừa nhận” bản thân đang căng thẳng với những người khác không hề sai nên đừng ngại ngần mà chia sẻ điều đó. Nó không chỉ giúp bạn mà còn giúp những người khác nữa vì chúng ta cảm thấy bớt “căng thẳng” khi có người đang đồng cảm với mình, đang cảm thấy “lo lắng” giống mình và đang muốn chia sẻ điều đó với mình.

 

 

7,Suy nghĩ tích cực:

Ai cũng đều phải trải qua những lần đi phỏng vấn, những lần phải đứng thuyết trình trước đám đông và những lần thất bại. Thất bại không hề vui chút nào và rõ ràng, chẳng ai muốn thất bại cả, tuy nhiên, thất bại không phải là thứ khiến bạn phải tự dằn vặt bản thân hay cảm thấy hổ thẹn. Có thể bạn thất bại trong cuộc phỏng vấn lần này nhưng không có nghĩa bạn sẽ thất bại mãi. Vì thế, hãy suy nghĩ theo hướng tích cực trước khi đi phỏng vấn, trong khi phỏng vấn và sau khi phỏng vấn, điều bạn cần làm là cố gắng hết mình vì mục tiêu bản thân đã đề ra, nếu lần này ta chưa làm được thì ắt lần sau, lần sau nữa sẽ làm được!

 

 

8,Đừng hoàn hảo hóa tất cả mọi thứ:

Bất kỳ ai khi làm một việc gì đó đều hướng tới sự hoàn hảo nhất, đây là tâm lý chung và hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, mình vẫn phải nhắc lại câu này: “Cái gì quá cũng không tốt”, đôi khi, chúng ta phải học cách chấp nhận và ứng biến đối với mọi tình huống xấu có thể xảy ra. Nếu bạn hỏi một “chuyên gia” về thuyết trình, chắc chắn anh/chị ấy sẽ không thể “vỗ ngực” rằng họ có thể luôn thuyết trình một cách trôi chảy, luôn tự tin trước mọi người và luôn làm tất cả mọi thứ một cách hoàn hảo được. Điểm khác biệt giữa một “chuyên gia” và một nhóm “nghiệp dư” chính là cách họ ứng biến trước nhiều tình huống bất ngờ xảy ra và cách họ chấp nhận hoàn cảnh. 

 

Có thể lấy một ví dụ đơn giản như điểm trong các bài thi, bạn không cần phải lúc nào cũng đạt điểm 10 tuyệt đối, tất nhiên, nếu bạn có khả năng thì chẳng tội gì, nhưng nếu thời gian, công sức có hạn, bạn chỉ cần đạt điểm trung bình để “qua môn”, đó vẫn được coi là một thành công nhỏ đối với bạn. Mình không viết điều này để “xúi giục” các bạn chỉ chấp nhận và không cố gắng, mà mình mong muốn, mọi người sẽ không bị rơi vào những cái bẫy “quy chuẩn hóa” “hoàn hảo hóa” do chính tâm lý các bạn dựng ra để dằn vặt hay đau khổ khi mọi thứ không đi đúng hướng bản thân đã mong muốn. 

 

 

9,Đầu xuôi đuôi lọt: 

Hãy xua tan đi sự “nặng nề” “khô cứng” của những buổi phỏng vấn và thuyết trình bằng những câu chào đơn giản hay nở một nụ cười trước khi bước vào việc chính. Những câu chào đó, những lời hỏi thăm đó và những nụ cười đó, bạn chả phải tốn một đồng nào để nói, để thể hiện ra cả. Vì thế, hãy tận dụng những gì mình hoàn toàn có thể làm được để khiến mọi thứ trở nên “nhẹ nhàng” hơn, “tươi mới” hơn. 

 

 

10,Trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm bản thân:

Một trong những phương pháp hiệu quả để “bớt lo” hơn chính là “Trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân” thông qua các cuộc phỏng vấn và những bài thuyết trình trước đám đông. Tất cả mọi người, không ai “tự nhiên” giỏi về một lĩnh vực bất kỳ nào đó, thứ chúng ta thấy chỉ là “kết quả” của nhiều lần luyện tập, trau dồi kỹ năng, kiến thức của những “thần đồng” ngoài kia mà thôi.

 

Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể đạt được những kỹ năng mình mong muốn hoặc vượt qua những rào cản về mặt tâm lý mà mình còn gặp phải bằng cách gia tăng kinh nghiệm, kiến thức của bản thân. Bạn “căng thẳng” khi đi phỏng vấn hay thuyết trình, hãy luyện tập thật nhiều, hãy đi phỏng vấn thật nhiều và hãy thuyết trình thật nhiều, một ngày nào đó, bạn sẽ không còn cảm thấy “lo lắng” và “sợ hãi” nữa – Người xưa có câu:“Cần cù thì bù thông minh” cũng là vì lẽ đó.