16 điểm khác biệt trong văn hóa làm việc giữa Việt Nam và Nhật Bản (Phần 2)

16 điểm khác biệt trong văn hóa làm việc giữa Việt Nam và Nhật Bản (Phần 2)

2021.01.07

Trong bối cảnh hiện nay, mối quan hệ của Nhật Bản và Việt Nam càng trở nên khăng khít, tốt đẹp hơn do có nhiều sự đồng điệu trong nét văn hóa, lối sống giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, trong cách làm việc ở hai nước lại có nhiều điểm khác biệt.

Ở Nhật Bản, công việc là một “trò chơi tập thể” và cần có sự gắn kết, quy củ trong cách làm việc, vì thế khi nhắc đến phong cách làm việc của người dân xứ sở hoa anh đào, người ta thường liên tưởng đến 2 chữ “kỷ luật”. Còn đối với người Việt Nam, sự linh hoạt trong công việc và tâm thế muốn khẳng định cái tôi trong một tập thể được thể hiện vô cùng rõ rệt. Cũng chính vì sự khác nhau đó nên đối với một số bạn thực tập sinh Việt Nam mới “bỡ ngỡ” sang Nhật, sự hòa nhập trong công việc hẳn là điều không hề dễ dàng. Hôm nay, cùng mình điểm qua 16 điểm khác biệt trong văn hóa làm việc giữa 2 quốc gia này nhé!

.

.

7. Ứng dụng họp trực tuyến vào trong công việc

Ở Nhật Bản, nếu bạn cần truyền đạt hoặc trao đổi thông tin quan trọng với cấp trên hay khách hàng, bạn cần phải gặp trực tiếp để làm việc đó. Chính vì thế mà các cuộc họp trực tuyến thường không được xuất hiện nhiều tại các công ty của Nhật. Điều này cũng tương tự đối với thư điện tử và điện thoại, hễ có việc quan trọng thì phải gặp trực tiếp. Tuy nhiên, với tình hình dịch Corona hiện nay, chắc hẳn người Nhật phải xem xét lại cách thức trao đổi thông tin trực tiếp này.

.

.

8. Trao đổi danh thiếp 

Cách nghĩ về danh thiếp của 2 quốc gia rất khác nhau. Ở Nhật Bản, danh thiếp là một thứ không thể không có trong túi áo của bạn. Đưa thế nào, nói ra sao khi trao đổi danh thiếp với đối tác, với khách hàng rất được coi trọng tại Nhật, nó thể hiện thái độ của bạn đối với người đối diện khi chuẩn bị bắt đầu cuộc nói chuyện. Đây cũng là một nét văn hóa đặc trưng của các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, ở Việt Nam hay các nước khác, danh thiếp không hề quan trọng đến mức vậy. Nếu người Nhật trao đổi danh thiếp trước khi vào vấn đề chính thì ở Việt Nam, chúng ta mở đầu bằng cái bắt tay, cái ôm để thể hiện sự hiếu khách, và sau khi cuộc nói chuyện kết thúc, danh thiếp mới được đưa ra.

.

.

9. Ngôn ngữ cơ thể

Một điểm khác nhau nữa đó chính là ngôn ngữ cơ thể. Ví dụ, nếu như cử chỉ khoanh tay ở Việt Nam được coi là biểu hiện của sự tự tin hay sự sẵn sàng lắng nghe ý kiến thì đối với người Nhật, cử chỉ đó không hề mang nghĩa như vậy. Khi bạn đang tham gia một cuộc họp hoặc một buổi thuyết trình với người Nhật, hãy nhớ đừng khoanh tay vì người Nhật coi đó là một dấu hiệu của thù địch. Còn một số “luật lệ ngầm” khác khi giao tiếp với người Nhật như: không được rung đùi, không được cho tay vào túi khi đang nói,… Việc biết được những luật lệ này sẽ giúp bạn tránh được những hiểu lầm không đáng có và giúp cho công việc của hai phía tiến triển một cách thuận lợi hơn.

.

.

10. Văn hóa chào hỏi

Nếu bạn đã từng có cơ hội tiếp xúc với người Nhật, chắc hẳn bạn sẽ chú ý đến cách cúi đầu khi chào của họ. Ở Nhật Bản, cúi đầu thường được sử dụng như một cách để thể hiện phép lịch sự với người khác bất kể mọi tầng lớp, lứa tuổi. Tuy nhiên, đối với người Việt Nam, việc cúi đầu chào chỉ xuất hiện khi người đối diện là cấp trên hoặc người lớn tuổi, còn lại hầu hết các trường hợp khác, mọi người sẽ thường không cúi đầu mà thay vào đó là chú trọng vào cử chỉ, ánh nhìn của bản thân.

.

.

11. Thể hiện bản thân

Người Nhật thường không “khoe mẽ” về khả năng, thành tích hoặc kết quả công việc đạt được của bản thân. Tuy nhiên, đối với người Việt, việc bạn chứng tỏ mình có thực lực bằng cách chỉ ra những thành quả, kiến thức mình có là hoàn toàn bình thường. Và điều đó cũng “khá” hợp lý nếu ngay từ đầu, chúng ta có thể trao đổi, giới thiệu khả năng của bản thân thì công việc sau này sẽ có thể tiến triển tốt khi cả hai có thể bù đắp “lỗ hổng”, sự “thiếu sót” của nhau.