16 điểm khác biệt trong văn hóa làm việc giữa Việt Nam và Nhật Bản (Phần 3)

16 điểm khác biệt trong văn hóa làm việc giữa Việt Nam và Nhật Bản (Phần 3)

2021.01.07

Trong bối cảnh hiện nay, mối quan hệ của Nhật Bản và Việt Nam càng trở nên khăng khít, tốt đẹp hơn do có nhiều sự đồng điệu trong nét văn hóa, lối sống giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, trong cách làm việc ở hai nước lại có nhiều điểm khác biệt.

Ở Nhật Bản, công việc là một “trò chơi tập thể” và cần có sự gắn kết, quy củ trong cách làm việc, vì thế khi nhắc đến phong cách làm việc của người dân xứ sở hoa anh đào, người ta thường liên tưởng đến 2 chữ “kỷ luật”. Còn đối với người Việt Nam, sự linh hoạt trong công việc và tâm thế muốn khẳng định cái tôi trong một tập thể được thể hiện vô cùng rõ rệt. Cũng chính vì sự khác nhau đó nên đối với một số bạn thực tập sinh Việt Nam mới “bỡ ngỡ” sang Nhật, sự hòa nhập trong công việc hẳn là điều không hề dễ dàng. Hôm nay, cùng mình điểm qua 16 điểm khác biệt trong văn hóa làm việc giữa 2 quốc gia này nhé!

.

.

12. Viết email doanh nghiệp

Có thể nói việc viết thư điện tử cho đối tác là một doanh nghiệp Nhật Bản hẳn là vô cùng “thử thách” đối với người Việt Nam khi chưa quen với các “Quy tắc viết email doanh nghiệp”. “Quy tắc viết email doanh nghiệp” ở Nhật Bản khá phức tạp và có thể làm bạn bối rối vì có rất nhiều cách chào hỏi, lối thể hiện, từ ngữ, câu văn đối với từng đối tượng đối tác, khách hàng. Nếu bạn dùng từ ngữ sai hoặc các câu văn không đồng bộ với nhau thì hoàn toàn có thể bị coi là “thiếu tôn trọng” đối với người Nhật. Mặt khác, “quy tắc viết email doanh nghiệp” ở Việt Nam khá đơn giản, không cần quá cầu kỳ về mặt “kính ngữ” khi bạn chỉ cần truyền đạt thông tin một cách rõ ràng, mạch lạc và lịch sự.

.

.

13. Sử dụng kính ngữ

Đây không chỉ là thử thách đối với người Việt Nam mà còn với cả người Nhật. Hệ thống “kính ngữ” – cách nói trang trọng của Nhật Bản khá phức tạp, nó bao gồm 2 dạng: Tôn kính ngữ và Khiêm nhường ngữ. Phức tạp đến nỗi mà ngay cả những sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp Đại học để đi làm cũng phải mất một khoảng thời gian “tương đối” để “ôn luyện” hệ thống “kính ngữ này”. Và đương nhiên nếu bạn dùng sai “kính ngữ”, bạn sẽ bị coi là “thiếu tôn trọng” đối với người đối diện. Ở Việt Nam thì ngược lại, chúng ta không quá cầu kỳ trong việc thể hiện sự “kính trọng” đối với đối phương. Nếu bạn ăn nói không được tốt, bạn cũng có thể thể hiện sự “lịch sự” qua cử chỉ, hành động, mọi người đều có thể hiểu và đón nhận một cách vui vẻ, không đòi hỏi cầu kỳ, phức tạp.

.

.

14. Cách tặng quà 

Hai mùa tặng quà của người Nhật được gọi là Chugen và Seibo, Chugen là mùa quà tặng giữa năm vào cuối tháng 6, và Seibo là mùa quà tặng cuối năm vào cuối tháng 12. Mục đích của việc gửi quà tặng trong dịp Seibo và Chugen là để cảm ơn những người đã giúp đỡ mình và mong muốn một mối quan hệ lâu dài. Người Nhật rất quan trọng cách gói quà và ẩn ý của người tặng thông qua từng món nhỏ trong gói quà đó. Mặt khác, ở Việt Nam, người Việt sẽ đến tặng quà và chúc sức khỏe cấp trên vào thời điểm Tết nguyên đán. Có vẻ người Việt không quá cầu kỳ trong việc chọn quà, gói quà để tặng như người Nhật nhưng về mục đích thì cả hai quốc gia đều giống nhau.

.

.

15. Quan niệm về thời gian

Đây có lẽ là điều dễ nhận thấy nhất khi bạn đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản. Không lệch một phút nào so với bảng thông báo thời gian vào bến, xuất bến. Rất chính xác và nghiêm túc. Và điều này cũng được thể hiện rõ trong văn hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản. Người Nhật rất tôn trọng thời gian của người khác và sẽ có một số bạn người Việt giật mình khi chỉ chậm 1-2 phút thôi, họ đã cúi đầu xin lỗi rất chân thành rồi. Tuy nhiên, đối với người Việt thì “văn hóa đến muộn” đang được coi là vấn đề vô cùng cấp thiết hiện nay. Nhiều người Nhật rất bất ngờ về văn hóa này và xem việc đến muộn là hành động thiếu tôn trọng đối với họ.

.

.

16. Quan niệm về trách nhiệm

Nếu bạn đến muộn một cuộc họp vì chẳng may lỡ tàu, bạn sẽ nói gì? “Xin lỗi, vì hôm nay đông quá nên tôi không thể đến sớm được” sẽ bị coi là thiếu tôn trọng đối với người Nhật. Người Việt Nam hay có thói quen đổ lỗi cho các sự việc nằm ngoài ý muốn phát sinh trong quá trình làm việc, học tập. Đây là một thói quen đa phần các doanh nghiệp Nhật Bản không thể chấp nhận. Người Nhật sẽ luôn nhận hết trách nhiệm về phía bản thân mình nếu có sự cố phát sinh trong quá trình làm việc, mọi lý do khách quan sẽ không được chấp thuận nếu bạn đến trễ, mắc sai lầm,…

Trên đây là 16 điểm khác biệt trong văn hóa làm việc giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản. Chắc chắn sẽ còn những điểm khác biệt khác nữa, nhưng mong rằng bài viết có thể giúp bạn phần nào chuẩn bị sẵn tâm thế vững vàng trước khi vào làm việc tại một công ty nào đó ở đất nước mặt trời mọc này!