10 cách giúp bạn cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp và lãnh đạo(Phần 1)

10 cách giúp bạn cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp và lãnh đạo(Phần 1)

2020.12.14

Trong môi trường công sở, mối quan hệ với đồng nghiệp và lãnh đạo không phải lúc nào cũng diễn ra một cách thuận lợi, êm đẹp, đây chắc hẳn là một trong những việc khiến không ít người phải đau đầu giữa việc đi hay ở. Tuy nhiên, nguyên nhân cho sự bất đồng trong những mối quan hệ đó có thật sự là do đồng nghiệp hay soi mói, do sếp khó tính hay do bản thân bạn không “hợp” với công ty đó không? Nếu chúng ta xem xét một cách khách quan, rất có thể một vài hành động nhỏ nào đó của bạn đã vô tình khiến cả 2 bên khó chịu, đây có thể coi là điểm mấu chốt của vấn đề.

Sẽ thật ức chế nếu mỗi ngày đến công ty là những ngày dài vô tận, luôn phải dè chừng và cẩn thận trong từng hành động. Mệt mỏi phải không? Vậy trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ giới thiệu đến với các bạn, những người đang hàng ngày phải “chật vật” tìm cách giải quyết cho chính mình, 10 cách để cải thiện mối quan hệ nơi công sở.

.

.

1. Đừng tiếc những câu chào:
“Lời chào cao hơn mâm cỗ” – đừng tiết kiệm những câu chào hỏi xã giao khi vô tình gặp đồng nghiệp ở công sở, chỗ gửi xe hay ở một quán cà phê nào đó. Đây cũng là lời khuyên mình có nhắc tới trong bài viết “11 mẹo hòa nhập cho người mới chuyển việc”, nếu bạn chủ động ngỏ lời chào thì không chỉ nhận được những đánh giá tốt từ người khác mà vô hình chung còn tạo dựng những mối quan hệ mới cho bản thân. 
“おはよう” khi đến và “お疲れ様” khi ra về, chẳng phải đều là những câu nói hết sức đơn giản sao, vấn đề ở đây là bạn có muốn nói hay không mà thôi. Có thể một hai ngày đầu họ không để ý, nhưng nếu cứ giữ thói quen đó, chắc chắn 100% mọi người sẽ nhớ bạn hơn là ngồi một chỗ và mong họ chú ý tới sự hiện diện của bản thân. Hãy biến những câu chào trở thành thói quen mỗi ngày khi đi làm, tuy ban đầu có hơi ngượng ngùng một chút nhưng khi quen dần thì chính bạn cũng chẳng để ý gì nữa đâu.
.
.
2. Luôn nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ:
Người Nhật luôn có câu “以心伝心”, hiểu nôm na là “Suy nghĩ của mình dù không nói ra nhưng đối phương vẫn hiểu”, tuy nhiên, liệu cách suy nghĩ này có còn đúng đắn cho tới thời điểm hiện tại? Nếu như áp dụng câu nói trên vào thực tế, chúng ta chẳng cần tốn công đi nói lời cảm ơn người khác vì bản thân người đi giúp phải tự hiểu rằng hành động của họ đã được chúng ta ghi nhận. Với cách cư xử như vậy, bạn có thật sự nhận được những cái nhìn thiện cảm từ mọi người xung quanh trong cuộc sống? 
Biết thể hiện sự biết ơn qua lời nói, hành động đối với người khác ở bất kỳ hoàn cảnh nào, cho dù có xa lạ đến đâu, bạn sẽ luôn gây ấn tượng rất lớn đối với họ. Nói ra những lời cảm ơn đó đồng nghĩa với việc bạn công nhận sự giúp đỡ của người khác, dù ít hay nhiều đã mang lại giá trị cho bạn. Và không chỉ riêng bạn được hưởng lợi, bản thân người giúp cũng cảm thấy vui vì công sức, thời gian của họ không bị lãng phí. Vừa có một hình tượng tốt đẹp trong mắt mọi người, vừa tạo dựng thêm được những mối quan hệ mới nơi công sở trở, chẳng ai lại không nói lời cảm ơn cả. 
.
.
3. Biết nói lời xin lỗi:
Người Việt Nam luôn nổi tiếng với tính cần cù, chịu khó, đó là điều đáng để tự hào, tuy nhiên, có một nhược điểm mà trước nay người Việt ta hầu hết đều mắc phải, đó chính là chưa biết nói lời xin lỗi. Không biết nhận lỗi hay chịu trách nhiệm đối với việc mình làm là những điểm trừ rất lớn trong mắt người Nhật. Ngược lại, nếu bạn biết nói lời xin lỗi, hành động đó sẽ được đánh giá rất cao không chỉ trong mắt đồng nghiệp mà đối với các vị lãnh đạo. Chẳng có gì phải xấu hổ khi chúng ta thừa nhận lỗi lầm của mình cả, chỉ với một câu nói đơn giản nhưng suốt những năm qua, đã có rất nhiều người không thể làm được.
Xin lỗi không có nghĩa là bạn tự làm mất đi giá trị của bản thân, ngược lại, hành động đó không chỉ thể hiện sự chân thành, tinh thần trách nhiệm đối với công việc, mà còn xây dựng sự tin tưởng từ đồng nghiệp xung quanh. Người luôn đổ lỗi cho “khách quan” sẽ rất khó hòa đồng với mọi người vì cho dù có việc gì xảy ra đi chăng nữa, họ luôn tìm cách trốn tránh trách nhiệm. Một lời xin lỗi chân thành sẽ mang lại giá trị gấp nhiều lần so với việc cứ mãi trốn tránh lỗi lầm của mình.