10 cách giúp bạn cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp và lãnh đạo(Phần 3)

10 cách giúp bạn cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp và lãnh đạo(Phần 3)

2020.12.14

8. Rút ngắn khoảng cách giữa bản thân và mọi người: 

Nếu bạn muốn cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp, hãy học cách tin tưởng họ. Con người luôn có một “sức ì” vô hình đối với những người, những vật mà chúng ta không biết rõ, đây cũng chính là bức tường ngăn cách người với người trong công ty nói riêng và trong xã hội nói chung. Nếu ai cũng có tư tưởng mong người khác sẽ tiến tới bạn để làm quen, để nói chuyện với mình thì kết cục cuối cùng chắc chắn sẽ chỉ có thêm nhiều bức tường được dựng lên mà thôi. Hãy mở lòng với mọi người một chút, bạn sẽ nhận lại được nhiều thứ đấy.

Người Nhật có câu “十人十色” – mỗi người mỗi vẻ, việc mỗi người đều có một góc nhìn về một vấn đề nào đó là điều hết sức bình thường. Thay vì việc cãi nhau, tranh luận ai đúng ai sai, hãy học cách tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhau để tìm ra cách giải quyết hợp lý nhất. Đây cũng là một yếu tố cần thiết cho một vị lãnh đạo vì nếu bạn không thể dung hòa được nhiều ý kiến đến từ nhiều góc nhìn như vậy, chắc chắn công ty sẽ chỉ toàn là những cuộc cãi vã không hồi kết mà thôi.

.

.

9. Đừng chỉ chăm chăm vào hai chữ “cải thiện”:   
Vẫn biết, nếu chúng ta bỏ công sức để cải thiện những mối quan hệ trong công việc, mọi thứ “có thể” tốt hơn, tuy nhiên, đừng tốn quá nhiều thời gian, sức lực của bản thân chỉ để suy nghĩ về những mối quan hệ của bạn với mọi người có tốt hay không. Bạn nên nhớ, mục tiêu chính của bạn vẫn là công việc, dù trước đó mọi người có quý mến bạn đến nhường nào thì khi bạn không làm được việc, trách nghiệm vẫn một mình bạn phải giải quyết.
Mình không nói rằng mọi người sẽ bỏ mặc bạn khi có vấn đề xảy ra nhưng nếu bạn mắc phải sai lầm thì chắc chắn bạn sẽ phải đối mặt với nó, không ai có thể làm thay bạn được. Ngoài ra, việc cố thân thiện với nhiều người cũng khiến bản thân bạn chịu rất nhiều áp lực về mặt tâm lý khi luôn phải “chiều lòng” người khác. Vì thế, hãy biết cách cân bằng giữa những mối quan hệ và công việc, bạn sẽ trở thành một người “cứng nhắc, khó gần” chỉ chăm chăm vào công việc và sẽ trở thành một người “giả tạo, bao đồng” khi chỉ quan tâm đến việc làm hài lòng người khác.
.
.
10. Biết cách buông bỏ khi cảm thấy không phù hợp:
Nếu bạn lúc nào cũng phải lo lắng về các mối quan hệ ở công ty và điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và sức khỏe của bạn, hãy xem xét đến phương án thay đổi công việc. Nếu bạn thay đổi công việc, môi trường, các quy tắc, hình thức đánh giá và mối quan hệ cũng sẽ thay đổi theo, bạn sẽ lại có những mục tiêu mới để hướng tới, những người bạn mới để làm quen.
Tất nhiên, chẳng ai có thể đảm bảo với bạn rằng công việc sau khi chuyển sẽ tốt hơn công việc trước, tuy nhiên, cái bạn nhận được sẽ là sự giải phóng bản thân khỏi áp lực từ phía công ty cũ. Như đã nói ở trên, mỗi người sẽ có một cách nghĩ riêng về mọi thứ xung quanh và nhiều lúc, vấn đề khiến chúng ta tranh cãi chỉ là do không thể chấp nhận được nhau. Vì thế, việc chấp nhận sự khác biệt để tìm tới một sự thay đổi lớn của bản thân là một điều tốt. Tuy nhiên, hãy luôn cân nhắc và sáng suốt trong quyết định chuyển việc, vì đôi khi nó còn phụ thuộc vào thời điểm và tuổi tác của chính bạn. Đừng nóng vội biến quyết định chuyển việc trở thành sự nuối tiếc rằng bản thân không thể lấy lại được nữa!