11 mẹo hòa nhập cho người mới chuyển việc(Phần 1)

11 mẹo hòa nhập cho người mới chuyển việc(Phần 1)

2020.12.05

Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ ở Nhật mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới, “nhảy việc” đã không còn quá mới mẻ đối với đa phần các bạn trẻ mới ra trường hoặc có vài năm kinh nghiệm đi làm. “Nhảy việc” vừa giúp bạn kiếm được những công việc mới ưng ý hơn, vừa tạo cho bạn có cơ hội được trải nghiệm văn hóa và tích lũy kiến thức hơn. Tuy nhiên, với một nước đề cao tình thần kỷ luật, văn hóa “外内” (そとうち) như Nhật Bản, liệu bạn có đủ vững vàng?

Những năm gần đây, trái ngược với cảm giác háo hức, phấn khích khi tìm thấy một công việc mới hoặc có cơ hội được làm việc trong một môi trường mà mình chờ đợi bấy lâu, nhiều người lại tỏ ra lo lắng, quan ngại rằng liệu quyết định chuyển việc trước đó có chính xác hay bản thân có thực sự “hòa hợp” với chỗ mới, người mới. Những mối lo trên hoàn toàn có cơ sở và đặc biệt hợp lý nếu bạn không phải là người quá cởi mở và ngại giao tiếp.

Tuy nhiên, những điều đó sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi gần như các công ty ở Nhật Bản đều có chính sách “thử việc” đối với người mới. 3 tuần, 2 tháng hay tận 4 tháng thử việc, dù ít hay nhiều cũng đều rất thử thách đối chúng ta. Vì vậy, trong ngày hôm nay, mình sẽ giới thiệu “11 mẹo hòa nhập cho người mới chuyển việc” và hi vọng sau bài viết này, các bạn có thể “đánh bại” bài kiểm tra “thử việc” nói riêng và “phát triển” trong cả quãng thời gian làm việc còn lại ở công ty mới nói chung nhé!

.

.

1. Chào hỏi mỗi ngày giúp bạn dễ dàng hòa nhập hơn:

“Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Chẳng tốn của bạn một đồng nào và cũng chẳng tiêu hao sức lực bản thân là mấy, vậy tại sao chúng ta lại không chào nhau một cái trước khi bắt đầu một ngày làm việc nhỉ? Việc bạn chủ động chào người khác đã là một điểm cộng cho sự tự tin rồi, hơn nữa, ngày nào cũng chào thì cũng đồng nghĩa với khả năng được đồng nghiệp, các sếp “nhớ mặt” rất lâu nữa. Thấy ta tự tin thì mọi người sẽ chào lại, nói chuyện cùng và được “nhớ mặt” nghĩa là khả năng “tụ tập” hay được “cân nhắc” cũng cao hơn một chút. Đây chẳng phải là những tiêu chí đánh giá bạn có “hòa đồng” với môi trường làm việc mới sao?

Tuy nhiên, việc chào hỏi sẽ có phần khó khăn một chút đối với những cá nhân trầm tính, ngại giao tiếp. Nếu bạn là người sống nội tâm thì cũng đừng “khép kín” quá, dù không cần lúc nào cũng phải chào to cho cả phòng nghe thấy nhưng nhớ mỉm cười chào người khác khi ở trong tháng máy hay đang lấy xe ra về, vừa tinh tế, vừa nhẹ nhàng. Còn đối với những bạn chỉ đang lo lắng “liệu họ có ghét mình không” thì đừng ngần ngại chào họ một câu khi gặp nhé!

.

.

2. Nhớ tên nhớ mặt giúp rút ngắn khoảng cách nơi công sở:  

Cho những ai chưa biết, một quy tắc “bất di bất dịch” đối với hầu hết nhân viên bán hàng ở mọi lĩnh vực kinh doanh là phải luôn ghi nhớ mặt và tên của khách hàng. Chắc bạn cũng biết lý do rồi đúng không, chả có gì quý bằng khi được một ai đó nhớ tên nhớ mặt mình chỉ sau vài hoặc thậm chí một lần nói chuyện. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng quy tắc này trong giao tiếp nơi công sở. Sau khi đã chào hỏi mọi người, hãy hỏi tên họ và cố gắng ghi nhớ nó vì cái tên cũng được coi là một phần tính cách của mỗi người.

Bạn cảm thấy thế nào khi mới nói chuyện vài hôm trước mà hôm sau cứ bị gọi là “anh/chị gì ơi”, chắc sẽ có một chút tự ái khi người kia không nhớ nổi tên của mình. Dẫu biết việc nhớ hết tất cả tên và mặt của mọi người trong công ty là điều không hề dễ chút nào nhưng bạn có thể “luyện tập” trí nhớ của mình hằng ngày qua những buổi nói chuyện, những câu hỏi thăm thường xuyên. Nhớ mặt nhớ cả tên sẽ là một điểm cộng không nhỏ trong mắt các sếp cũng như đồng nghiệp khi bạn vừa chuyển đến môi trường làm việc mới đấy!

.

.

3.Quan sát và xem xét các mối quan hệ giữa người với người nơi công sở:

Hãy quan sát và xem xét các mối quan hệ giữa người với người nơi công sở một cách cẩn thận, tại sao ư, vì bạn sẽ có thể tránh được những rắc rối do cách cư xử sai hay có được những mối quan hệ khăng khít, tốt đẹp. Một công ty có thể được coi là một xã hội thu nhỏ, nó cũng có nhiều thành phần, nhiều cách nghĩ và nhiều mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau. Việc đầu tiên bạn cần làm là tìm một người dễ nói chuyện hoặc tâm sự, đó có thể là đồng nghiệp và hay tiền bối, để nghe về các câu chuyện xoay quanh con người, công việc ở công ty. Tuy nhiên, hãy lưu ý về các nội dung bạn muốn hỏi vì nếu nói không “khéo”, khả năng bạn bị coi là “kẻ nhiều chuyện” sẽ khá cao đấy!

Ngoài ra, việc quan tâm đến các chủ đề thú vị ở nơi làm việc cũng như sở thích của đồng nghiệp cũng giúp bạn giảm bớt cảm giác xa cách với mọi người. Nếu ai đó có cùng sở thích và kiến thức với mình, họ có thể trở thành “cạ cứng” của bạn nơi công sở, vừa có người để tâm sự khi buồn lại vừa có “bạn nhậu” khi vui. Nếu có thể giao tiếp tốt với người khác, bạn không chỉ nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc mới một cách suôn sẻ mà còn tạo cảm giác là một người “dễ gần” đối với đồng nghiệp, tiền bối.