11 mẹo hòa nhập cho người mới chuyển việc(Phần 2)

11 mẹo hòa nhập cho người mới chuyển việc(Phần 2)

2020.12.05

4.Hãy chủ động trong công việc:

Đừng ngồi chờ người khác giao việc cho mình một cách thụ động, thay vào đó, hãy chủ động hơn trong công việc vì điều này sẽ giúp bạn rất nhiều. Chủ động tiếp nhận công việc làm tăng cơ hội được tiếp xúc với những người xung quanh. Và bằng cách đó, bạn có thể xây dựng lòng tin của bản thân cũng như đẩy nhanh tiến độ hòa nhập với môi trường làm việc mới của bản thân.

Một nhân viên trong giai đoạn thử việc chỉ được làm những đầu việc cố định là điều rất khó tránh khỏi, tuy nhiên, việc ngồi yên và chấp nhận sự “cố định” đó cũng không hay ho gì vì bạn rất có thể sẽ bị các đồng nghiệp, tiền bối khác đánh giá là thiếu sự chủ động. Hãy chú ý quan sát, lắng nghe mọi việc đang diễn ra xung quanh 1 chút. Chỉ khi nào nắm bắt được tình hình tại nơi làm việc và quan tâm đến môi trường xung quanh, chúng ta mới có thể nhận được đánh giá cao từ chính những người xung quanh.

Nếu bạn là người mới vào công ty, hãy chuẩn bị một tinh thần sẵn sàng đảm nhận công việc khó với một thái độ khiêm tốn. Nó sẽ khiến bạn dễ dàng nói chuyện với đồng nghiệp và giúp bạn có cơ hội giao tiếp nhiều hơn đấy!

.

.

5.Tuyệt đối không đi muộn về sớm khi mới vào làm việc:

Nhật Bản từ xưa đến nay luôn mệnh danh là một đất nước “đúng giờ” nhất trên thế giới, đối với những bạn đã từng ở đây, chắc hẳn sẽ rất bất ngờ đối với độ chuẩn xác về mặt thời gian trong tất cả mọi thứ. Khi mới vào làm việc cho một công ty nào đó, hãy đặc biệt chú ý giờ giấc của bản thân một chút. Mặc dù ở Việt Nam, muộn 5 phút cũng không quá to tát gì nhưng một khi làm việc ở Nhật Bản, 5 phút hay thậm chí 1 phút cũng đều là muộn cả.

Như đã nói ở trên, công ty cũng giống như 1 xã hội thu nhỏ vậy, một khi đã quyết định làm việc cho “xã hội nhỏ” đó thì bạn phải tuân thủ các “luật lệ” của nó. Việc đi làm thất thường hay giờ giấc làm việc không ổn định chắc chắn sẽ trở thành những “điểm trừ” khó phai trong mắt các vị lãnh đạo. Nếu chẳng may bạn “bắt buộc” phải đi muộn hoặc về sớm vì những sự cố ngoài ý muốn, hãy chắc chắn rằng mình đã thông báo, giải thích rõ lý do với quản lý để tránh những hiểu lầm không đáng có. Việc đi làm muộn xảy ra khá phổ biến nên hãy ra khỏi nhà 30 phút trước khi bắt đầu làm việc hoặc nếu có ở xa, tìm hiểu về đường đi, phương tiện di chuyển vào ngày hôm trước cũng là một giải pháp hợp lý.

.

.

6. Đừng dập khuôn trong cách làm việc tại công ty mới:

Làm việc ở công ty mới cũng đồng nghĩa với việc thay đổi cách làm việc, cách nghĩ và thậm chí là cách sống của bản thân nữa, vì vậy, hãy sẵn sàng cho những sự thay đổi đó. Việc đầu tiên bạn cần làm ở công ty mới là quên đi cách thường làm ở công ty cũ, thay vào đó, hãy tập trung quan sát, học hỏi cách làm việc mới. Nếu cứ “khăng khăng” làm theo cách riêng của bản thân, bạn sẽ nhận được những đánh giá không tốt từ đồng nghiệp, tiền bối xung quanh cùng với đó là cảm giác khó thích nghi với nơi làm việc mới.

Bạn càng tự tin vào công việc và kỹ năng trước đây của mình, thì càng sai lầm khi làm việc tại công ty mới. Vì vậy, hãy tôn trọng các quy tắc và cách thức làm việc của công ty mới, ngay cả khi công ty đó hoạt động cùng lĩnh vực với công ty cũ. Một khi đã làm quen với công việc mới, bạn hoàn toàn có thể áp dụng bí quyết và kỹ năng của riêng mình vào công việc và thiết lập con đường của riêng bạn. Tuy nhiên, hãy luôn chia sẻ và báo cáo lại với sếp hoặc đồng nghiệp của bạn trước khi tiếp tục nhé!

Nếu tôn trọng cách thức vận hành của công ty và chú trọng vào các mối quan hệ ở nơi làm việc mới, quá trình hòa nhập của bản thân bạn sẽ diễn ra một cách vô cùng thuận lợi và nhanh chóng.

.

.

7. Tôn trọng văn hóa làm việc ở công ty mới:

Ở công ty mới, hãy tập làm quen với “văn hóa làm việc” ở đó. Mỗi công ty đều có một văn hóa riêng và chẳng ngoa khi nói rằng, “văn hóa làm việc” giống như xương sống của cả một doanh nghiệp. Công ty càng lớn thì văn hóa làm việc càng phong phú và đa dạng, nó được thể hiện trong giờ giấc làm việc – giải lao, trong các sự kiện tổ chức nội bộ và trong từng mối quan hệ giữa các nhân viên, quản lý với nhau. Vì vậy, hãy quên đi “văn hóa” của công ty cũ và chấp nhận hòa nhập với “văn hóa” của công ty mới.

Việc bạn cố gắng tìm hiểu và hòa nhập với văn hóa của công ty mới sẽ là những điểm cộng không hề nhỏ trong mắt các vị quản lý, giám đốc. Tuy nhiên, đừng quá nóng vội và chỉ chăm chăm vào việc hòa nhập vì còn rất nhiều thứ bạn phải làm không chỉ riêng việc “Nhập gia tùy tục” nhé!