11 mẹo hòa nhập cho người mới chuyển việc(Phần 3)

11 mẹo hòa nhập cho người mới chuyển việc(Phần 3)

2020.12.05

8. Giữ gìn vệ sinh nơi làm việc:

Giữ gìn nơi làm việc của mình luôn luôn ngăn nắp, gọn gàng là điều ít được quan tâm ở hầu hết các nhân viên mới vào công ty. Tuy nhiên, đây là một điểm rất được quan tâm không chỉ đối với các vị lãnh đạo mà còn những người đồng nghiệp xung quanh bạn. Người Nhật luôn đề cao tính ngăn nắp và chỉn chu trong cuộc sống, đơn cử như cách ăn mặc ở trong trường học hay nơi công sở, tất cả đều có đồng phục hoặc những bộ sơ mi cà vạt rất đồng đều.

Ngoài ra, việc giữ gìn sự ngăn nắp, gọn gàng chỗ làm việc cũng giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc và thao tác cũng nhanh hơn so với việc để tài liệu, sổ sách bừa bãi. Những cử chỉ như để lại ghế khi ra ngoài hay sắp xếp, phân loại tài liệu ngăn nắp, hợp lý sẽ được mọi người xung quanh bạn đánh giá rất cao đấy!

.

.

9. Tích cực tham gia các sự kiện của công ty cùng đồng nghiệp:   

Nếu bạn là nhân viên mới mà được mời đến một sự kiện của công ty hoặc một buổi nhậu nào đó sau giờ làm việc, đừng ngần ngại mà không tham gia vì đây chính là cơ hội tốt để mọi người hiểu thêm về bạn. Không chỉ biết đến tên, khuôn mặt mà các nhân viên khác có thể hiểu hơn về tính cách, sở thích của bạn nữa, chẳng phải sẽ giúp bạn dễ dàng tìm được những “cạ cứng” trong công ty sao. Yên tâm một điều là hầu hết các nhân viên ở Nhật rất hay tổ chức các bữa tiệc chào mừng nhân viên mới hay những buổi nhậu giờ tan tầm để giải tỏa căng thẳng, áp lực sau một ngày dài làm việc.

Đối với những bạn hơi nhút nhát một chút hoặc không giỏi uống rượu thì cũng đừng lo lắng quá vì vấn đề không tham gia được các buổi tiệc của công ty. Bạn hoàn toàn có thể mời ai đó đi ăn trưa hoặc thậm chí đi ăn tối nhẹ nhàng ở một quán ăn nào đó. Đây cũng là một phương án không mất nhiều thời gian và bạn cũng không phải uống rượu quá nhiều đến mức say xỉn. Dù bạn là người tính cách hồ hởi, dễ thích nghi hay là một người sống nội tâm, không uống được rượu thì cũng luôn luôn có cách phù hợp để bạn có thể hòa đồng với mọi người ở nơi làm việc mới.

.

.

10. Đừng chỉ chăm chăm vào công việc:

Mình biết là sẽ có rất nhiều bạn cảm thấy căng thẳng và vô cùng áp lực trong giai đoạn 3 tháng thử việc này. Tuy nhiên, hãy đừng quá lo lắng về việc bạn có làm tốt hay không hoặc cách xử lý của bản thân đã ổn chưa vì những nỗi lo đó sẽ chỉ khiến bản thân mệt mỏi và mất tập trung hơn thôi. Không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà đối với mọi người xung quanh, việc bạn chỉ chăm chăm vào sự thể hiện hay hiệu năng làm việc của bản thân sẽ khiến họ cảm thấy “khó gần” với bạn hơn.

Và dẫu biết 3 tháng thử việc là khoảng thời gian ban điều hành công ty kiểm tra trình độ của bạn đến đâu nhưng thứ họ luôn đề cao hơn cả chính là sự phù hợp. Nghe 2 chữ “phù hợp” có vẻ khá mông lung nhưng thực chất họ đang xem xét liệu rằng cách làm việc, khuynh hướng cũng như khả năng giao tiếp của bạn có “tương thích” với những người xung quanh không. Sự vận hành của cả một công ty không nằm ở một người mà nó phụ thuộc bởi cả một hệ thống các phòng ban, nhân viên, lãnh đạo, đây cũng chính là triết lý của nhiều công ty lớn hiện nay. Vì vậy, đừng tạo quá nhiều áp lực cho bản thân khi mới chỉ thử việc có 3 tháng tại công ty mới!

.

.

11. Cố gắng diễn đạt quan điểm, suy nghĩ của bản thân với mọi người:
Tại nơi làm việc mới, hãy tích cực chia sẻ ý kiến và suy nghĩ của mình để hiểu rõ hơn về công việc, con người ở đây hơn. Chúng ta luôn bị ngăn cách với mọi người xung quanh hay chần chừ trong việc thể hiện bản thân bởi những lo lắng rằng ý kiến, quan điểm của mình có thể sai lầm. Tuy nhiên, chính những suy nghĩ đó lại đang khiến bạn “xa lánh” với đồng nghiệp, lãnh đạo hơn, khiến họ có thể hiểu nhầm bạn bất cứ lúc nào.
Hãy luôn nhớ rằng bạn luôn có quyền được nêu ra quan điểm, ý kiến cá nhân về một vấn đề nào đó trong công việc hay cuộc sống. Chỉ cần bạn thể hiện thái độ muốn chia sẻ ý kiến và một tinh thần cầu thị, mọi người dù có khó tính đến mấy cũng sẽ dần mở lòng với bạn. Và bạn chẳng cần phải nói về những điều quá lớn lao và cao siêu đâu, hãy chia sẻ những thứ đơn giản, gần gũi nhất với bản thân là được rồi.
  
Bằng cách này, mọi người sẽ mở lòng với bạn hơn, hiểu được bạn hơn và khoảng cách giữa người với người cũng vì thế mà được rút ngắn. Tuy nhiên, đừng chỉ đơn phương nói lên ý kiến của bạn mà không quan tâm đến quan điểm của người khác. Hãy vừa mở lòng với mọi người và vừa lắng nghe, tôn trọng ý kiến của họ nữa nhé!