Các loại bảo hiểm cần biết khi ở Nhật Bản

Các loại bảo hiểm cần biết khi ở Nhật Bản

2022.01.19

Nhiều người mới đến Nhật rơi vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười” khi không hiểu được bản chất của từng loại bảo hiểm ở Nhật Bản cũng như luôn thắc mắc liệu bản thân có phải đóng bảo hiểm không, có nên đăng ký bảo hiểm không và nếu không đăng ký thì sẽ như thế nào. 

Trong bài viết ngày hôm nay, KUROFUNE sẽ giới thiệu “Các loại bảo hiểm bạn cần biết khi làm việc và sinh sống ở Nhật Bản” để mọi người có thể hiểu được nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của bản thân.

Bài viết có tham khảo nhiều nguồn thông tin khác nhau.

       A. Có mấy loại bảo hiểm xã hội ở Nhật Bản?

Hiện tại ở Nhật Bản có 4 loại bảo hiểm chính, đó là:

  • Bảo hiểm y tế – 健康保険 (Kenkōhoken)
  • Bảo hiểm hưu trí – 厚生年金保険 (Kōsei nenkin hoken)
  • Bảo hiểm thất nghiệp – 雇用保険 (Koyō hoken)
  • Bảo hiểm tai nạn lao động – 労災保険 (Rōsai hoken)
    B. Nội dung chi tiết các loại bảo hiểm ở Nhật Bản: 


  • Bảo hiểm y tế – 健康保険 (Kenkōhoken):

 

Hiện nay, ở Nhật Bản, có 3 loại bảo hiểm y tế như sau:

  • Bảo hiểm xã hội theo công ty – 被用者健康保険 (Shakai hoken): Dành cho nhân viên trong cùng một công ty hoặc công nhân viên chức nhà nước. 
  • Bảo hiểm y tế quốc dân – 国民健康保険 (Kokumin kenkōhoken): Dành cho những ai không có Bảo hiểm xã hội theo công ty.
  • Hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi – 後期高齢者医療制度 (Kōkikōreishairyōseido): Dành cho người già trên 75 tuổi và người tàn tật trên 65 tuổi.

  • Phí bảo hiểm:

Phí bảo hiểm sẽ được tính dựa trên thu nhập hàng năm của mỗi cá nhân. Hình thức chi trả phí bảo hiểm đối với từng loại như sau: 

  • Bảo hiểm xã hội theo công ty – 被用者健康保険 (Shakai hoken): Người tham gia bảo hiểm và công ty sẽ cùng nhau chi trả theo tỷ lệ 50-50 (mỗi bên một nửa).
  • Bảo hiểm y tế quốc dân – 国民健康保険 (Kokumin kenkōhoken): Người tham gia bảo hiểm phải đóng 100% tiền phí bảo hiểm (có thể đóng hàng tháng hoặc đóng 1 lần 1 năm).
  • Hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi – 後期高齢者医療制度 (Kōkikōreishairyōseido): Người tham gia bảo hiểm phải đóng 100% tiền phí bảo hiểm.
  • Quyền lợi: 

Tác dụng của bảo hiểm chính là hỗ trợ người đăng ký chi trả tiền viện phí khi họ chẳng may bị ốm đau, bệnh tật. Cụ thể, bạn chỉ phải trả 30% tiền viện phí, 70% còn lại sẽ do Nhà nước Nhật Bản chi trả ngay cả trong trường hợp bạn bị thương tật và trở về nước nếu các điều kiện cần thiết được thỏa mãn. 

  • Đối tượng hưởng lợi khác:

Không chỉ bản thân người tham gia bảo hiểm, các thành viên trong gia đình cũng có thể nhận được các quyền lợi từ bảo hiểm y tế với tư cách là “người phụ thuộc” – 被扶養者 (hifuyō-sha). Tuy nhiên, không phải người thân nào trong gia đình cũng đều được coi là “người phụ thuộc”. Do đó, để được hưởng các quyền lợi từ bảo hiểm y tế, bạn phải thỏa mãn các điều kiện chung sau đây:

  • Phải nằm trong phạm vi quy định “người phụ thuộc” theo Luật Bảo hiểm Y tế.
  • Phải có địa chỉ tại Nhật Bản.
  • Không quá 75 tuổi đối với người già và 65 tuổi đối với người khuyết tật.
  • Phải sống phụ thuộc vào thu nhập của người được bảo hiểm.
  • Phải chứng minh cá nhân tham gia bảo hiểm là người phải chi trả hầu hết các khoản chi phí của hộ gia đình.  
  • Chứng minh khả năng về tài chính của cá nhân tham gia bảo hiểm.
  • Thu nhập phải ít hơn một nửa thu nhập của người được bảo hiểm.
  • Thu nhập của cả gia đình phải dưới 1,3 triệu yên mỗi năm (dưới 1,8 triệu yên mỗi năm đối với gia đình có người già trên 75 tuổi hoặc người khuyết tật dưới 65 tuổi đang nhận trợ cấp tàn tật).

Ngoài ra, còn một số điều kiện riêng quy định cho từng đối tượng đặc biệt sẽ được phân tích cụ thể ở những bài viết khác. Đến đây các bạn có thể thấy việc được công nhận là “người phụ thuộc” cũng không phải dễ dàng gì, tuy nhiên, một khi đã được chấp nhận là “người phụ thuộc” thì bạn sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích từ việc chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ thai sản, điều trị bệnh tật,…

  • Lưu ý: 

 

Bảo hiểm y tế – 健康保険 (Kenkōhoken) và Bảo hiểm hưu trí – 厚生年金保険 (Kōsei nenkin hoken) luôn đi cùng nhau vì vậy không bao giờ có trường hợp bạn chỉ phải nộp bảo hiểm y tế hàng tháng mà không đóng bảo hiểm hưu trí. Tuy nhiên, học sinh và sinh viên sẽ không phải đóng Bảo hiểm hưu trí. 

Ngoài ra, người nước ngoài khi học tập hoặc làm việc tại Nhật Bản bắt buộc phải có tư cách lưu trú. Tư cách lưu trú có thời hạn 1 năm, 3 năm hoặc 5 năm. Trước khi hết hạn, người nước ngoài phải có trách nhiệm làm thủ tục xin gia hạn. Tuy nhiên, từ ngày 1 tháng 4 năm 2010 trở đi khi xin gia hạn tư cách lưu trú ở Nhật Bản, bạn cần phải trình thẻ bảo hiểm cho cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, tham gia Bảo hiểm y tế không chỉ liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe mà còn liên quan đến cả luật pháp.   

  • Bảo hiểm hưu trí – 厚生年金保険 (Kōsei nenkin hoken):
    Có 3 loại Bảo hiểm hưu trí ở Nhật Bản:

  • Quỹ lương hưu cơ bản – 国民年金 (Kokumin nenkin): người trong độ tuổi từ 20 đến 60 tuổi, bất kể quốc tịch, đang cư trú tại Nhật Bản đều có nghĩa vụ phải tham gia.
  • Quỹ lương hưu phúc lợi – 厚生年金 (Kōsei nenkin): Người đang đi làm tại các công ty.
  • Quỹ lương hưu công vụ – 共済年金 (Kyōsai nenkin): Quỹ lương hưu dành cho các nhân viên công vụ – 公務員 (Kōmuin), giáo viên trường tư lập,…

Bạn không phải đóng Bảo hiểm hưu trí nếu:

  • Là “Người phụ thuộc”.
  • Đang thất nghiệp.
  • Là học sinh.
  • Trong diện “Hoạt động ngoài tư cách lưu trú” – 資格外活動許可 (Shikakugaikatsudōkyoka): Tổng thời gian hoặc tổng số ngày làm việc đều ít hơn ¾ tổng thời gian hoặc tổng số ngày làm việc của một nhân viên bình thường (28 tiếng/ tuần).

Ngoài ra, nếu bạn thỏa mãn tất cả những điều kiện dưới đây, bạn sẽ phải đóng Bảo hiểm y tế: 

  • Thời gian làm việc trên 20h/ tuần.
  • Người có nguyện vọng muốn làm việc trên 1 năm.
  • Tiền lương hàng tháng trên 88,000 yên.
  • Không phải học sinh.
  • Đang làm việc cho doanh nghiệp có trên 501 nhân viên.

  • Phí bảo hiểm:

Mỗi nhóm đối tượng sẽ các mức đóng phí khác nhau, cụ thể:

  • Nhóm 1: Tiền phí cơ bản – 国民年金保険料 (Kokumin nenkin hoken-ryō): không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính hay thu nhập của người nộp. Tuy nhiên, số tiền này thường thay đổi theo từng năm theo chính sách của chính phủ, khoản phí bạn phải đóng trong năm 2020 là 16.540 yên/tháng. 
  • Nhóm 2: Đây là nhóm đối tượng vừa phải tham gia quỹ lương hưu cơ bản, vừa phải tham gia thêm quỹ lương hưu phúc lợi. Tiền phí hàng tháng sẽ bao gồm khoản phí cơ bản và khoản phí phúc lợi phụ trội, gộp chung gọi là phí phúc lợi – 厚生年金保険料 (Kōsei nenkin hoken-ryō). Khoản phí này không cố định mà tỷ lệ với thu nhập của người đóng, rơi vào khoảng 17.828% lương hàng tháng, tuy nhiên, bạn sẽ được công ty hỗ trợ 50% số tiền phải đóng được trừ trực tiếp vào lương hàng tháng.
  • Nhóm 3: Những cá nhân thuộc nhóm 3 sẽ được quỹ lương hưu mà chồng/vợ người đó tham gia tại công ty hỗ trợ hoàn toàn chi phí và được hưởng các chế độ của quỹ lương hưu cơ bản khi về già. Tuy nhiên, chồng/vợ của những đối tượng thuộc nhóm 3 cần làm thủ tục đăng ký “Người phụ thuộc” tại công ty.
  • Điều kiện & Quyền lợi:
    Điều kiện: 

Điều kiện cơ bản để được nhận lương hưu của tất cả mọi người khi tham gia “Quỹ lương hưu cơ bản” và “Quỹ lương hưu phúc lợi” như sau: 

  • Tổng thời gian tham gia Quỹ lương hưu cơ bản phải trên 10 năm.
  • Thời gian tham gia Quỹ lương hưu phúc lợi phải trên 1 năm.

        Quyền lợi:

  • Nếu đóng tiền phí “Quỹ lương hưu cơ bản” liên tục 40 năm (480 tháng) thì số tiền lương hưu bạn có thể nhận được sau khi đủ 65 tuổi theo quy định hiện hành là khoảng 780,000 yên/ năm (trung bình tầm 60,000 yên/ tháng)

 

Nếu thời gian đóng phí của bạn dưới 40 năm thì số tiền trên sẽ thay đổi dựa theo công thức như sau:

Tiền lương hưu nhận được = Số tháng đã đóng × 780,000 / 480 tháng.

(Ví dụ, nếu chỉ đóng 20 năm = 240 tháng thì tiền lương hưu bạn nhận được chỉ khoảng hơn 390,000 yên/ năm, tức trung bình khoảng 32,500 yên/ tháng).

 

  • Đối với “Quỹ lương hưu phúc lợi”, cách tính số tiền lương hưu phúc lợi nhận được khá phức tạp vì còn phụ thuộc nhiều vào số năm đóng phí, thu nhập trung bình của bạn trong suốt thời gian tham gia quỹ lương. Do đó, trong bài viết này, mình tạm thời chưa đề cập đến “Quỹ lương hưu phúc lợi”. Các bạn có thể truy cập vào link dưới đây để có thể tính được số tiền lương hưu phúc lợi của riêng mình một cách chính xác nhất: http://urajijou.world.coocan.jp/chokin/rknenkinkk.htm

  • Chế độ thanh toán một lần khi ra khỏi bảo hiểm (dành cho người nước ngoài):

Để có thể nhận lại tiền thanh toán một lần này bạn phải thỏa mãn những điều kiện sau:

  • Không có quốc tịch Nhật Bản.
  • Đã đóng Bảo hiểm hưu trí – 厚生年金保険 (Kōsei nenkin hoken) trên 6 tháng.
  • Không còn địa chỉ tại Nhật Bản.
  • Không có quyền lợi nhận lương hưu (bao gồm lương hưu tai nạn).
  • Nộp đơn trong vòng 2 năm kể từ ngày không còn địa chỉ tại Nhật Bản.

  • Bảo hiểm thất nghiệp – 雇用保険 (Koyō hoken)

Dù là người nước ngoài, hoặc làm bán thời gian nhưng nếu thỏa mãn những điều kiện cơ bản sau đây thì đều phải nộp phí Bảo hiểm thất nghiệp:

  • Người lao động có hợp đồng lao động trên 31 ngày.
  • Số thời gian làm việc quy định trên 20h/ tuần

Trên nguyên tắc, du học sinh chỉ có “Tư cách lưu trú” thì không được làm việc, tuy nhiên, nếu xin được “Hoạt động ngoài tư cách lưu trú” thì có thể đi làm bán thời gian và giới hạn thời gian làm việc là 28h/ tuần. Mặc dù làm việc trên 20h/ tuần nhưng riêng trường hợp này không phải đóng phí Bảo hiểm thất nghiệp. Thời điểm các bạn du học sinh có “Hoạt động ngoài tư cách lưu trú” phải đóng Bảo hiểm thất nghiệp là khi có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và đang làm cho các công ty.

Ngoài ra, đối với các đối tượng học trực tuyến, học buổi tối hệ đại học hoặc hệ đào tạo vừa học vừa làm, nếu thỏa mãn các điều kiện cơ bản trên thì vẫn phải tham gia đóng phí Bảo hiểm thất nghiệp.

  • Phí bảo hiểm:

Cách tính phí Bảo hiểm thất nghiệp thông thường sẽ theo công thức sau:

Phí bảo hiểm phải đóng = Tiền lương thực tế × 9/1000

Tuy nhiên, tỷ lệ 9/1000 – 雇用保険料率 (Koyōhokenryōritsu) không áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp ở Nhật Bản. Tỉ lệ này thay đổi tùy theo ngành nghề, lĩnh vực của các công ty. 

  • Điều kiện & Quyền lợi:

Điều kiện cơ bản để được nhận “Trợ cấp thất nghiệp” từ “Quỹ bảo hiểm thất nghiệp” như sau:

  • Tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên 1 năm tính tới thời điểm nghỉ việc, trong đó ít nhất 6 tháng có số ngày làm việc từ 14 ngày trở lên
  • Trong trường hợp công ty phá sản, bệnh tật, thai sản,…buộc phải nghỉ việc thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tối thiểu là 6 tháng.
  • Đối với lao động ngắn hạn (20~30h/ tuần), tính tới thời điểm nghỉ việc phải có 2 năm tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trong đó ít nhất 12 tháng làm việc từ 11 ngày trở lên.

  • Quyền lợi:

Khoản trợ cấp của mỗi người là khác nhau tính tùy theo lương của người lao động trước khi nghỉ việc, cụ thể:

Số tiền trợ cấp 1 ngày = (Tổng số tiền lương 6 tháng trước khi nghỉ việc ) / 180

(Trong đó, tổng tiền lương không bao gồm tiền thưởng)

Tuy nhiên, số tiền nhận trợ cấp trong 1 ngày không được vượt quá những mức quy định sau:

  • Dưới 29 tuổi: 6,395 yên/ ngày.
  • Từ 30 đến 44 tuổi: 7,100 yên/ ngày.
  • Từ 45 đến 59 tuổi: 7,810 yên/ ngày.
  • Từ 60 đến 64 tuổi: 6,808 yên/ ngày.
  •  Giấy tờ & Thủ tục cần thiết:

Để đủ điều kiện đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau đây:

  • Giấy chứng nhận đang trong tình trạng thất nghiệp – 離職票 (Rishoku-hyō). Giấy này được Hello Work cấp sau khi bạn nộp giấy xác nhận đã thôi việc.
  • Giấy chứng nhận tham gia Bảo hiểm thất nghiệp – 雇用保険被保険者証 (Koyou hoken hi hoken shashou). Bạn sẽ nhận được giấy này khi thôi việc ở công ty.
  • Các giấy tờ chứng minh khác bao gồm: Bằng lái xe ở Nhật (nếu có), thẻ My number, bản photo thẻ lưu trú, bản photo hộ chiếu.
  • Sổ ngân hàng chính chủ có tên người nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp.
  • Con dấu (dùng để thay chữ ký).
  • 2 ảnh thẻ khổ 3cm x 2.5cm được chụp trong vòng 3 tháng trở lại.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết, mang lên nộp tại Trung tâm hỗ trợ việc làm – Hello Work nơi bạn sinh sống. Cùng với đó, bạn phải đăng ký tìm việc làm và tham gia buổi giới thiệu về Bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm. 

  • Thời gian làm thủ tục & nhận được trợ cấp:

Thời gian làm thủ tục và nhận được trợ cấp từ Trung tâm hỗ trợ việc làm – Hello Work cụ thể như sau: 

  • Sau 7 ngày đăng ký thủ tục tại văn phòng Hello Work, bạn sẽ bắt đầu được nhận trợ cấp. Trên thực tế, trong vòng 1 tháng số tiền trợ cấp sẽ được chuyển cho người lao động.
  • Trong trường hợp do người lao động tự ý nghỉ việc hoặc bị sa thải, sau 3 tháng 7 ngày hoàn thành thủ tục đăng ký, bạn sẽ nhận bắt đầu nhận tiền trợ cấp từ tháng thứ 4 trở đi.
  • Trong ngày đầu tiên làm thủ tục tại Hello Work, lịch nhận trợ cấp sẽ được xác định. Cứ 4 tuần 1 lần, người lao động bắt buộc phải tới văn phòng Hello Work để chứng nhận vẫn đang thất nghiệp và nhận tiền hỗ trợ. 
  • Lưu ý:

Chỉ đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp khi đã nghỉ việc, có đóng bảo hiểm thất nghiệp trong một năm qua và hiện chưa tìm được công việc mới.

Nên tiến hành làm thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp sớm nhất có thể nếu vẫn chưa tìm được việc làm.

Trong quá trình nhận trợ cấp thất nghiệp, nếu tìm được công việc mới (kể cả làm bán thời gian) cũng phải báo ngay với trung tâm Hello Work. 

Trong trường hợp bị phát hiện không thông báo đã tìm được việc làm nhưng vẫn nhận trợ cấp thất nghiệp, bạn sẽ phải đền bù cho phía trung tâm Hello Work một khoản gấp 3 lần số tiền trợ cấp bạn đã nhận được. Cùng với đó, việc bị phát hiện gian lận sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả xin gia hạn Visa sau này.

  • Bảo hiểm tai nạn lao động – 労災保険 (Rōsai hoken):

Bảo hiểm tai nạn lao động được áp dụng đối với cả lao động nước ngoài, bất kể quốc tịch, nếu họ đang làm việc tại Nhật Bản. Không những người lao động có tư cách cư trú lao động hợp lệ mà còn các du học sinh đã gặp tai nạn trong thời gian làm thêm cũng thuộc về đối tượng áp dụng chế độ.

  • Phí bảo hiểm:

 

Tiền phí Bảo hiểm an toàn lao động sẽ được đóng bởi các chủ lao động, nhà máy, công ty,… Cho dù chỉ có một người lao động hoặc thuê người lao động bất hợp pháp, chủ lao động, nhà máy, công ty,… đều bắt buộc phải đóng tiền phí loại bảo hiểm này. Nếu trong trường hợp chưa/không đóng Bảo hiểm an toàn lao động mà có xảy ra tai nạn, người chủ không chỉ bị truy cứu lại toàn bộ số tiền phải đóng cho nhân viên mà còn phải nộp thêm 100% hoặc 40% số tiền bảo hiểm đó.

  • Quyền lợi & Thủ tục nhận trợ cấp:

Bảo hiểm an toàn lao động sẽ chi trả các trợ cấp bảo hiểm cần thiết ví dụ như phí điều trị cho người lao động khi bị thương, bị bệnh hoặc tử vong mà nguyên nhân do làm việc hoặc đi làm. 

 

Có tất cả 7 loại trợ cấp trong Bảo hiểm an toàn lao động, cụ thể như sau: 

  • Trợ cấp (bồi thường) điều trị: Trợ cấp nhận được khi người lao động bị thương, bị bệnh do công việc hoặc trên đường đi làm gây ra và cần phải điều trị.
  • Trợ cấp (bồi thường) nghỉ làm: Không nhận được tiền lương vì phải nghỉ làm để điều trị các thương tật và bệnh tật xảy ra trên đường đi làm hoặc do công việc thì sẽ được chi trả bồi thường nghỉ làm.
  • Trợ cấp hàng năm (bồi thường) bệnh tật và thương tật: Trợ cấp trong trường hợp sau khi bắt đầu điều trị bệnh tật hoặc thương tật xảy ra vì việc làm hoặc trên đường đi làm, đã được 1 năm 6 tháng nhưng vẫn chưa bình phục (tình trạng ổn định) và cấp độ tàn tật thuộc cấp độ của bệnh tật và thương tật.
  • Trợ cấp tàn tật (bồi thường): Trong trường hợp bệnh tật hoặc thương tật do việc làm hoặc trên đường đi làm gây ra đã bình phục (tình trạng ổn định) nhưng sẽ được trợ cấp nếu còn lại tàn tật thuộc cấp độ tàn tật.
  • Trợ cấp (bồi thường) người thân: Trợ cấp khi người lao động tử vong.
  • Trợ cấp tiền phúng điếu (Chi trả mai táng): Trợ cấp trong trường hợp người lao động tử vong và mai táng.
  • Trợ cấp (bồi thường) điều dưỡng: Trợ cấp trong trường hợp đang được chăm sóc điều dưỡng vì có tàn tật nhất định thuộc đối tượng trợ cấp hàng năm (bồi thường) tàn tật, hoặc thuộc đối tượng trợ cấp hàng năm (bồi thường) bệnh tật.

  • Thủ tục nhận trợ cấp:

7 trợ cấp ở trên sẽ tương ứng với 7 thủ tục khác nhau, vì vậy, các bạn có thể vào link dưới đây để tìm hiểu kĩ hơn:

https://www.mhlw.go.jp/new-info/kobetu/roudou/gyousei/kantoku/dl/161108-13.pdf

  • Lưu ý: 

Tìm hiểu thật kỹ về công ty mình sắp làm việc đã đóng Bảo hiểm tai nạn lao động hay chưa.

Khi nhận trợ cấp, số tiền chi trả là tiền yên đã quy đổi theo tỷ giá hối đoái nước ngoài (giá bán) tại ngày quyết định chi trả.

Trong trường hợp phải điều trị chấn thương, thương tật do tai nạn lao động ở nước ngoài: Nếu có thể chứng minh nội dung điều trị là thỏa đáng thì trường hợp này cũng là đối tượng được chi trả (bao gồm các chi phí cần thiết để điều trị).