Hatsumōde – nét đặc trưng văn hóa lâu đời của Nhật Bản

Hatsumōde – nét đặc trưng văn hóa lâu đời của Nhật Bản

2021.01.21

Cũng giống như Việt Nam, vào mỗi dịp năm mới, người dân Nhật Bản lại nô nức đến đền, chùa để cầu mong sự may mắn, sức khỏe và thành công cho những người thân trong gia đình. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia lại có những lễ nghi, quy tắc khác nhau cần phải tuân thủ. Vì vậy, trong bài viết hôm nay, các bạn hãy cùng mình khám phá phong tục đi chùa năm mới – Hatsumōde của người dân xứ sở mặt trời mọc nhé.

.

.

1. Hatsumōde là gì?

Hatsumōde – 初詣 là phong tục đi nguyện cầu tại đền, chùa lần đầu tiên trong năm mới của người dân Nhật Bản. Hầu hết mọi người ở đây đều được nghỉ làm từ ngày 29 tháng 12 đến ngày mùng 3 tháng 1 hàng năm. Họ sẽ tận dụng khoảng thời gian này để dọn dẹp nhà cửa, trả những khoản nợ của năm cũ, đi thăm bạn bè, người thân và đến chùa.

Thông thường mọi người sẽ đến chùa vào ngày đầu tiên, thứ hai hoặc thứ ba của năm mới. Mục đích chung của cả hai phong tục “đi chùa” ở Việt Nam và Nhật Bản chính là cầu mong mọi điều tốt lành sẽ đến với gia đình những người đi lễ. Thêm nữa, ở đây cũng có phong tục “đổi bùa”, họ mua những lá bùa mới – Omamori và đốt những lá bùa cũ đi, đó cũng chính là một cách “làm mới” tinh thần sau một năm làm việc vất vả của người Nhật.

.

.

2. Hatsumōde ở đâu?

Tất nhiên là ở đền và chùa phải không? Tuy nhiên, mỗi nơi lại có những sự “linh thiêng” khác nhau, chẳng hạn có nơi “linh thiêng” trong chuyện tình duyên, có nơi lại nghiêng về thành công trong kinh doanh, và cũng có nơi để nguyện cầu công danh trên con đường học vấn…Vì thế việc lựa chọn các tiêu chí để đi cầu nguyện cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng.

Ví dụ cụ thể như, chùa Fushimi Inari Taisha – 伏見稲荷大社 ở Kyoto nổi tiếng là nơi linh thiêng về sự thành công, bội thu trong kinh doanh, điện thờ Tokyo Daijingu – 東京大神宮 ở Tokyo trong chuyện tình duyên và đền Dazaifu Tenmangu – 太宰府天満宮 ở Fukuoka trong thành tích, học vấn.

.

.

3. Hatsumōde như thế nào?

Các lễ nghi, quy tắc phải tuân thủ sẽ phụ thuộc vào việc bạn chọn đền hay chùa để đi. Đối với đền, thứ tự sẽ như sau:

• Có một cổng gỗ màu đỏ – toori ở ngay trước đền, vì vậy trước tiên, hãy cúi đầu nhẹ trước khi bước vào.
• Lối chính giữa lối dẫn vào đền là dành cho các vị thần linh, vì thế hãy đi bộ ở hai bên lề con đường.
• Hãy nhớ “thanh tẩy” bản thân tại các bồn nước trước khi vào trong lễ bái. Đầu tiên, bạn múc nước đầy gáo rồi bắt đầu rửa tay trái trước, sau đó đến tay phải, và cuối cùng là đổ một ít nước vào tay phải rồi cho lên miệng để uống.
• Quy trình tiêu chuẩn để cầu nguyện ở đền là 2-2-1, “hai lần vái – hai lần vỗ tay – một lần vái”. Cụ thể, đầu tiên, bạn hãy lần lượt rung chuông, vứt tiền nguyện cầu vào, và vái hai lần ở bệ thờ. Tiếp đến, vỗ tay hai lần rồi đặt hai lòng bàn tay úp vào nhau và bắt đầu cầu nguyện. Cuối cùng, vái một lần nữa để kết thúc quy trình.
Đối với chùa thì có một chút khác biệt như sau:
• Thay vì cổng đỏ torii như ở đền, chùa có cổng sanmon. Khi vào cổng sanmon, vái một lần rồi đi qua mà không bước lên ngưỡng cửa. 
• Giống như đi cầu nguyện ở đền, bạn hãy đi dọc hai bên lề của con đường, và nguyện cầu sau khi “thanh tẩy”.
• Đốt nến, hương nếu có rồi đặt chúng ở chỗ quy định.
• Tại điện chính, hãy bỏ tiền nguyện cầu vào trước. Nếu có chuông, bạn hãy rung chuông rồi úp hai lòng bàn tay vào với nhau và vái một lần để bắt đầu cầu nguyện. Cuối cùng, vái lần nữa khi kết thúc.
• Khi ra về, vái về hướng chùa một lần sau khi rời khỏi cổng.

.

.

4. Tiền nguyện cầu

Bao nhiêu tiền không quan trọng, nhưng hãy nhớ tránh những con số sau: 65, 75, 85, 95, 500, vì theo quan niệm của người Nhật, chúng có nghĩa tiêu cực. Đồng xu 10 yên bị coi là làm giảm duyên (en – 円) của bạn bởi từ “10 yên” trong tiếng Nhật nghe giống từ “toen – 遠縁” có nghĩa là “duyên xa”. Và bởi vì từ “5 yên” có phát âm giống từ “goen – ご縁” có nghĩa là mối lương duyên, nên người ta thường dùng đồng 5 yên để nguyện cầu cho duyên đến.

.

.

5. Xin quẻ

Sau khi nguyện cầu trong đền hoặc chùa, hãy nhớ đi xin một lá quẻ – omikuji cho năm mới nhé. Có rất nhiều loại quẻ, nhưng tất cả đều chỉ có duy nhất một cách để lấy chúng. Đầu tiên, bạn hãy nghĩ về điều mà bản thân mong muốn đạt được rồi sau đó lắc chiếc hộp đựng các quẻ xăm bên trong. Mỗi thanh quẻ sẽ có một con số nhất định, dựa vào đó bạn sẽ được đưa một tờ giấy ghi điều may mắn của bạn trong năm mới.

Thông thường sẽ có 7 loại may mắn. Theo thứ tự, Daikichi (đại cát) sẽ là loại tốt nhất, theo sau là Kichi (cát), Chukichi (trung cát), Shokichi (tiểu cát), Suekichi (mạt cát), Kyō (hung) và Daikyō (đại hung). Bạn có thể mang quẻ về nhà hay buộc chúng tại khu vực quy định. Hiện nay, quẻ tại các đền, chùa giờ đều được dịch ra nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung,… nên rất thuận tiện cho du khách nước ngoài.

Quẻ xăm nào có chữ 吉 (cát) có nghĩa là xăm tốt, còn quẻ nào có chữ 凶 (hung) nghĩa là vận mệnh xấu. Số lượng quẻ xấu được rút ra không nhiều, và nếu bạn có rút trúng quẻ xấu thì cũng không nên quá lo lắng nhé. Ý nghĩa thực sự của mỗi quẻ xăm không nằm ở 2 chữ “Tốt – Xấu”. Ngoài ra, trong quẻ xăm cũng thường đưa ra những lời khuyên về sức khỏe, công danh sự nghiệp, tình duyên…

.

.

6. Bùa hộ mệnh

Có 2 loại bùa hộ mệnh bạn cần biết, đó chính là “omamori” và “ofuda”. Với bùa “omamori”, bạn luôn luôn phải mang nó bên người. Ngược lại với bùa “ofuda”, bạn hãy cất nó ở nhà. Có rất nhiều loại bùa như bùa mang lại an toàn khi tham gia giao thông, mang lại sức khỏe, tiền tài,… vì vậy hãy chọn loại phù hợp cho gia đình bạn.

GIỚI THIỆU VỀ HIỆP HỘI HỖ TRỢ VIỆC LÀM CHO NGƯỜI VIỆT NAM TẠI NHẬT BẢN