10 nguyên nhân khiến sự chênh lệch giàu – nghèo ở Nhật Bản càng trở nên rõ rệt(Phần 2)

10 nguyên nhân khiến sự chênh lệch giàu – nghèo ở Nhật Bản càng trở nên rõ rệt(Phần 2)

2021.02.16

Đã từ rất lâu, Nhật Bản được xem là một trong những cường quốc trên thế giới. Không chỉ có một nền kinh tế vững chắc mà Nhật Bản còn nắm giữ những thành tựu khoa học vô cùng tiên tiến của loài người trong những thập kỷ gần đây. Ngoài ra, người dân xứ sở hoa anh đào còn có mức sống và chỉ số phát triển con người rất cao.

Chính vì những lí do trên mà rất nhiều bạn trẻ trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang hướng tới những cơ hội được sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, đi kèm với những mặt tốt ở trên, hiện nay, Nhật Bản đang phải đối mặt với sự bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp.

Hiện nay, Hệ số gini của Nhật Bản là 29,9% (Hệ số Gini là hệ số dựa trên đường cong Lorenz chỉ ra mức bất bình đẳng của phân phối thu nhập giữa cá nhân và hệ kinh tế trong một nền kinh tế). Mặc dù 29,9% không ở ngưỡng quá cao nhưng cũng được coi là mức độ “cần được quan tâm” bởi các nhà hoạch định chính sách. Vì vậy, hôm nay, mình sẽ giới thiệu đến các bạn “10 nguyên nhân khiến sự chênh lệch giàu – nghèo ở Nhật Bản càng trở nên rõ rệt” để thấy được xã hội Nhật Bản ở nhiều khía cạnh nhất.

.

.

4. Sự gia tăng số lượng nhân viên phái cử: 

Nhân viên phái cử – 派遣社員 (Haken shain) là những thành viên của công ty phái cử, những thành viên đó được tuyển dụng vào các doanh nghiệp, các công ty với tư cách là nhân viên phái cử theo hợp đồng có thời hạn. Đặc điểm nổi bật của nhân viên phái cử chính là “linh hoạt” và “rẻ”. Sự linh hoạt của nhân viên phái cử được thể hiện rõ nhất trong trường hợp một công ty đang cần nhiều nhân lực để làm cho một dự án nhất định nhưng lại không muốn ký hợp đồng lâu dài với họ.

Và “rẻ” chính là số tiền để trả cho những lao động nước ngoài sẽ ít hơn so với những lao động nội địa. Hai yếu tố này không chỉ là kết quả của quá trình hội nhập giữa các nước trên thế giới mà còn do sự “nới lỏng” trong các chính sách hướng tới các cá nhân là “nhân viên phái cử” của Luật lao động Nhật Bản.

Từ đó, các doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm cũng như luân chuyển một cách linh hoạt giữa các nguồn nhân lực sẵn có trong xã hội để thu được lợi nhuận lớn nhất. Một lần nữa, mặc dù có những lợi ích tích cực về khía cạnh phát triển kinh tế nhưng sự “dễ dàng” và “linh hoạt” này lại khiến số lượng người có thu nhập thấp ở Nhật Bản ngày càng gia tăng.

.

.

5. Sự chênh lệch giữa các vùng miền:

Nguyên nhân thứ sáu cho việc chênh lệch giàu – nghèo càng ngày càng lan rộng ở Nhật Bản chính là sự chênh lệch giữa các vùng miền về mặt giáo dục và kinh tế. Đây cũng là một sự thật “khá hiển nhiên” khi chất lượng giáo dục cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế ở thành thị sẽ cao hơn so với nông thôn. Mặc dù Nhật Bản là một đất nước phát triển nhưng độ chênh lệch trên vẫn khá rõ rệt. Chính vì vậy, học sinh, sinh viên sống ở các thành phố sẽ có cơ hội học tập và làm việc trong những môi trường hiện đại hơn, toàn diện hơn. Ngược lại, các bạn sinh sống và học tập ở các vùng nông thôn sẽ có ít cơ hội tiếp xúc với sự “hiện đại” và “toàn diện” đó hơn.

Dựa trên kết quả từ cuộc điều tra về năng lực học vấn của học sinh tiểu học ở Nhật Bản năm 1961, điểm trung bình các môn của học sinh tiểu học đến từ khu vực thành thị cao hơn rất nhiều so với các bạn cùng tuổi đến từ khu vực nông thôn. Ngoài ra, vào năm 2008, một bài kiểm tra được thực hiện bởi một tổ chức giáo dục tư thục đối với học sinh lớp 5 ở Nhật Bản cũng cho thấy tỷ lệ trả lời đúng của khu vực thành thị cao hơn rất nhiều so với khu vực nông thôn. Mặc dù khoảng cách này đang được thu hẹp dần dần, nhưng sự khác biệt vẫn “khá nổi bật”.

.

.

6. Cơ hội việc làm của sinh viên mới tốt nghiệp: 

Như đã nói ở trên, sinh viên mới tốt nghiệp thường có thu nhập thấp hơn so với những người đã có “thâm niên” làm việc. Tuy nhiên, có một điểm nữa trong hệ thống tuyển dụng của các công ty Nhật Bản chính là quy trình đào tạo nhân viên khi mới vào làm. Để đào tạo một nhân viên có thể làm việc “trọn đời” cho công ty cần một khoảng thời gian khá dài và tốn rất nhiều công sức. Vì vậy, việc được nhận vào một công ty lớn của sinh viên mới ra trường không phải là chuyện “một sớm một chiều”.Thêm vào đó, nếu chẳng may trượt phỏng vấn xin việc, các bạn sẽ phải đợi một khoảng thời gian khá dài sau đó để ứng tuyển lại. Như vậy vừa mất thời gian, vừa mất tiền bởi vì chính hệ thống trả lương theo thâm niên của hầu hết các công ty ở Nhật Bản: làm càng lâu thì tiền lương nhận lại càng nhiều và bắt đầu muộn thì sẽ được hưởng lợi muộn mà thôi. Đối với những bạn đang trong thời gian đợi đến lần ứng tuyển tiếp theo, không còn cách nào khác là phải chấp nhận làm những công việc với mức lương thấp. Và vì thế, lại làm tăng số lượng người có thu nhập thấp trong xã hội.