CÁC DANH NHÂN ĐƯỢC IN HÌNH TRÊN TIỀN GIẤY NHẬT BẢN LÀ AI ?

CÁC DANH NHÂN ĐƯỢC IN HÌNH TRÊN TIỀN GIẤY NHẬT BẢN LÀ AI ?

2020.12.10

Đã bao giờ khi đi mua hàng bạn tò mò về những nhân vật được in hình trên các tờ tiền mà mình đang sử dụng chưa? Hãy cùng chúng mình tìm hiểu về họ nhé!

 

1, FUKUZAWA YUKICHI (tờ 10000 Yên)
Fukuzawa Yukichi (1835-1901) là nhà giáo dục, nhà tư tưởng, ngoại giao vĩ đại của Nhật Bản. Ông được coi là người mở đường với những tư tưởng mới mẻ có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của xã hội cận đại Nhật Bản.

Phần lớn năm tháng trưởng thành của ông gắn liền với thời kì suy thoái của chế độ cũ, thời kỳ nắm quyền của Mạc phủ Tokugawa với hàng trăm thứ luật lệ hà khắc trói buộc cuộc sống của người dân nơi đây. Sau khi đã được tiếp xúc với nền văn hóa cởi mở, tiên tiến của phương Tây, Fukuzawa hiểu rằng chế độ phong kiến cứng nhắc kia không thể nào giúp Nhật Bản tốt lên được, sự phát triển của đất nước phải đi liền với học vấn. Trong khoảng thời gian du học tại Âu Mỹ, ông đã mua rất nhiều sách, chọn lọc những kiến thức, những tinh hoa quý giá của Tây Phương và dịch sang tiếng Nhật để mang về truyền bá lại cho người dân Nhật Bản, góp phần tạo ra những ảnh hưởng to lớn cho Minh Trị Duy Tân.

Ông cũng chính là người sáng lập ra trường đại học Keio danh tiếng và tờ báo Jiji Shinpo. Bên cạnh đó, ông đã viết rất nhiều sách, một trong số đó là cuốn “Khuyến học” được coi là cuốn sách gối đầu giường của mỗi người dân Nhật trong thời kỳ Duy Tân, đã có tác động tích cực đến tư tưởng, xã hội Nhật Bản. Hiện tượng của ông được đặt tại khu bảo tàng tưởng niệm Fukuzawa Yukichi tỉnh Nakatsu.

.

.

2, HIGUCHI ICHIYOU (tờ 5000 yên)

Higuchi Ichiyou (1872-1896) là một trong những nhà văn quan trọng đầu tiên thời Minh Trị, là nhà văn nữ chuyên nghiệp đầu tiên của văn chương hiện đại Nhật Bản và cũng là người phụ nữ duy nhất được in hình trên tờ tiền yên.


Sự ra đi của người cha vào năm 1889 khi bà mới 17 tuổi đã đưa bà vào con đường lăn lội kiếm tiền để nuôi sống gia đình bằng nghề viết văn. Trung thành với lối văn thơ cổ điển Nhật Bản, bà đã cho ra đời nhiều tác phẩm cả văn lẫn thơ mang màu sắc riêng như Ngày cuối năm (Otsugomori-1894), Khe nước đục (Nigorie-1895), Đêm mười ba (Jusanya-1895), Những ngả đường cách biệt (Wakaremichi-1896), Một mùa thơ dại (Takekurabe-1896). Đây được coi là những kiệt tác văn thơ Nhật Bản đưa bà trở thành thi nhân danh tiếng lẫy lừng. Mặc dù phải kết thúc cuộc đời mình ở tuổi 24 bởi căn bệnh lao giống cha và anh của mình, Ichiyou vẫn kịp để lại cho nhân loại một lượng tác phẩm đáng nể gồm 20 truyện ngắn, gần 4.000 bài thơ, vài tiểu luận cùng một bộ nhật ký nổi tiếng.

.

.

3, HIDEYO NOGUCHI (tờ 1000 yên)

Hideyo Noguchi (1876 – 1928) đã được ghi vào lịch sử y khoa Nhật Bản và y khoa thế giới với tư cách một bác sĩ tài ba, một nhà vi sinh vật học lỗi lạc đầu thế kỉ 20. Những phát biểu về các công trình nghiên cứu liên quan đến các thể khuẩn sinh bệnh của ông có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền y học thế giới. Trong đó phải kể đến nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm, bao gồm giang mai, lao phổi, mắt hột, bệnh dại, bại liệt, sốt vàng da, bệnh bướu ở chân, sốt ban do ve ký sinh gây ra. Vào năm 1913, ông đã nuôi cấy thành công và phát hiện ra loại xoắn khuẩn có tên Treponema pallidum là tác nhân gây bệnh giang mai. Chính nhờ công trình nghiên cứu này tên tuổi của ông đã vang danh khắp thế giới và mang về một đề cử giải Nobel. Trong quá trình nghiên cứu về bệnh sốt vàng da ở Châu Phi, ông đã bị nhiễm chính căn bệnh này và qua đời ở tuổi 52. Hiện hình ảnh của ông không chỉ được in trên tờ tiền 1000 yên mà còn được dựng tượng tại công viên Ueno, Tokyo.

Để tránh tình trạng tiền giả, cứ 10 năm, 20 năm chính phủ Nhật Bản sẽ thay đổi mẫu thiết kế tiền một lần. Mệnh giá các tờ tiền sẽ vấn được giữ nguyên và tiền cũ vẫn được sử dụng song song với tiền mới. Theo thông lệ đó, vào ngày 10/4, chính phủ Nhật Bản đã công bố những mẫu thiết kế tiền giấy mới với hình ảnh của những danh nhân mới, trong đó là hình cha đẻ của chủ nghĩa tư bản Nhật Eiichi Shibusawa (1840-1931) in trên tờ tiền mệnh giá 10000 yên, nhà giáo dục Umeko Tsuda (1864-1929) trên tờ 5000 yên và nhà vi sinh vật học Shibasaburo Kitasato (1853-1931) trên tờ 1000 yên. Hãy cùng nhau đón chờ những đồng tiền mới này nhé!

.

.

Vậy là sau bài viết này chúng ta đã biết rõ hơn về 3 danh nhân được in hình trên các tờ tiền Nhật Bản đang được lưu hành hiện nay. Họ đều là những người đã cố gắng làm việc, nỗ lực hết sức mình trong các lĩnh vực khác nhau và có những cống hiến, đóng góp to lớn cho sự phát triển vượt trội của Nhật Bản. Đó cũng chính là mục đích của chính phủ thúc đẩy người dân noi theo gương của người đi trước mà hăng say làm việc, sống và làm điều có ích cho bản thân và xã hội.