KHÓ hay DỄ khi học Đại Học ở Nhật? Cách vượt qua những khó khăn ban đầu(Phần 1)

KHÓ hay DỄ khi học Đại Học ở Nhật? Cách vượt qua những khó khăn ban đầu(Phần 1)

2021.04.16

Tháng tư là mùa khai giảng một năm học mới ở nhiều trường Nhật. Là mùa mà bất cứ một học sinh Nhật nào cũng háo hức với một mùa học mới, có thể là được làm quen với nhiều kiến thức mới cũng như nhiều bạn bè mới. Đối với những du học sinh như chúng ta, được vào một trường Đại học ở Nhật đó cũng như là một giấc mơ với những điều mới lạ cần phải khám phá.

Ngoài sự bỡ ngỡ thì sự lo sợ cũng là tâm lí của hầu hết những bạn du học sinh vừa bước ra khỏi trường tiếng để đến với một môi trường hoàn toàn mới lạ. Lo sợ về ngôn ngữ, nỗi lo về sự tiếp thu ở các giờ học, nỗi lo ngại khi một thân một mình bước vào một môi trường học toàn người Nhật hay thậm chí là sự lo ngại nếu không kết bạn được với ai…Tất cả đều là tâm lý chung, nhưng nếu vượt qua được những tâm lí đó thì bạn sẽ thấy được thời sinh viên ở Nhật Bản cực kì thú vị đấy.

.

.

Hệ thống giáo dục đại học ở Nhật.

Không giống Việt Nam, Nga hay Pháp, nước Nhật giống Mỹ, không có xu hướng tập trung các trường đại học về các thành phố trung tâm mà ở mỗi tỉnh, thành phố sẽ có ít nhất một trường đại học quốc lập, ngoài ra sẽ còn các trường công lập trực thuộc tỉnh hay thành phố đó. Các trường đại học ở Nhật phần lớn cũng không là trường chỉ tập trung vào một chuyên môn như Giao thông, Xây dựng, Kiến trúc, Kinh tế, Y… mà thường sẽ là trường tổng hợp, có đầy đủ các khối ngành Kinh tế, Kỹ thuật, Y dược, Sư phạm…

Tất nhiên sẽ vẫn có những trường trọng điểm quốc gia, trọng điểm vùng hoặc một vài trường trọng điểm ngành và hầu hết các trường này đều nằm ở những thành phố lớn, có thể gọi đây là các trường đại học lớn.

Có một số lượng không nhỏ người Nhật không thích rời quê để đi nơi khác học tập hay lập nghiệp. Chính vì thế, khó có thể nói những trường đại học quốc lập nằm ở tỉnh lẻ thì không có học sinh xuất sắc thi vào. Tuy nhiên, nếu có những sinh viên tỉnh lẻ đang theo học ở các trường đại học lớn thì chắc chắn họ đã từng là những học sinh cực kỳ ưu tú.

Có một thực tế là đối với người Nhật những trường đại học quốc, công lập cho dù là ở tỉnh thì thật sự là một nơi rất khó để có thể đậu, trường đại học lớn thì còn khó hơn rất nhiền lần. Bởi vậy ở Nhật, nền giáo dục tư nhân khá phát triển, có rất nhiều các trường đại học tư lập nơi phần lớn học sinh Nhật theo học sau khi tốt nghiệp cấp 3 và không thể là số ít người lọt qua cánh của của trường quốc, công lập.

.

.

Trường đại học Nhật học như thế nào?

Một tiết học ở đại học Nhật kéo dài 90 phút, không có giải lao. Thường mỗi môn chỉ có một tiết mỗi tuần, có một số môn ngoại lệ thì tuần có thể có nhiều hơn. Việc một ngày học ở trường suốt từ 9h sáng đến 6, 7h tối là có, đó là những hôm học 5 hay 6 tiết liên tục nhưng không phải tất cả các ngày trong tuần đều như vậy. Ở Nhật cũng học theo hình thức tín chỉ, có một số môn bắt buộc, một số môn bán bắt buộc và còn lại là các môn tự chọn. Mọi người hoàn toàn có thể điều chỉnh lịch học sao phù hợp nhất với bản thân.

Mỗi kỳ học thường kéo dài 16 tuần, tương đương 4 tháng. Mỗi môn sẽ học 15 tiết và tiết cuối cùng sẽ là tiết thi cuối kỳ. Nếu môn nào có thi giữa kỳ thì sẽ là 14 buổi học và 2 buổi dành để thi.

Thi cuối kỳ ở Nhật thì khác hoàn toàn so với ở Việt Nam. Kết thúc 15 tuần, tuần thứ 16 sẽ là tuần thi cuối kỳ, tất cả các môn thi gói gọn trong một tuần và thường lịch thi giống với thời khóa biểu học. Cũng có thể sẽ có một vài môn vì lý do nào đó của thầy giáo mà sẽ được thi sớm hay muộn hơn 1 tuần. Năm học ở Nhật bắt đầu vào tháng 4, tuần thi của kỳ học thứ nhất sẽ là khoảng tuần đầu tháng 8, sau kỳ thi sẽ là kỳ nghỉ kéo dài đến hết tháng 9. Kỳ học còn lại bắt đầu vào đầu tháng 10, kỳ thi cuối kỳ sẽ diễn ra vào thoảng tuần đầu tháng 2, sau kỳ thi lại sẽ là kỳ nghỉ kéo dài đến hết tháng 3.

Trong các năm học ở đại học, năm 1 thì nhiều môn nhưng dễ và học nhàn vì phần nhiều là các môn đại cương. Năm 2, năm 3 thì ít môn hơn nhưng cũng khó hơn vì bắt đầu đi sâu vào chuyên môn. Sau khi kết thúc 3 năm học, nếu đạt đủ số tín chỉ yêu cầu, sẽ được lên năm 4.

.

.

Giờ học ở trường Đại Học

Phần lớn các trường đại học Nhật Bản giảng dạy bằng tiếng Nhật. Khi mới đặt chân tới Nhật,có thể tiếng Nhật chưa đủ, việc nghe giảng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Sau mỗi giờ học, chúng ta nên mượn vở của những người bạn Nhật, mượn rất nhiều tài liệu tham khảo ở thư viện, về Phòng nghiên cứu để vừa tự ôn lại bài giảng, vừa làm bài tập. Vì vậy, trước khi vào học chính thức tại một trường đại học nào đó, bạn nên cố gắng trang bị càng nhiều tiếng Nhật càng tốt. Ngoài ra, trong các bài giảng của các giáo sư Nhật Bản, bên cạnh sách giáo khoa, sách tham khảo cũng được sử dụng rất nhiều, và khối lượng sinh viên phải tự học cũng rất lớn. Bạn nên tranh thủ đọc càng nhiều sách tham khảo càng tốt. Kết quả học tập mỗi môn học sẽ được đánh giá thông qua điểm thi giữa kỳ, cuối kỳ, report và cả những phát biểu tại những buổi thảo luận.

Rất nhiều sinh viên hiện đang học tập nước ngoài không thể làm quen với việc vừa lắng nghe, viết bài và tiếp thu bài giảng cùng một lúc.

Một lưu ý nhỏ cho các bạn sinh viên đó là, khi lắng nghe bài giảng bạn không thể viết tất cả những gì giảng viên nói. Điều này vừa làm bạn mất tập trung vào bài giảng vừa không cần thiết. Bạn nên lắng nghe và ghi lại những ý quan trọng, đây là một kỹ năng rất phổ biến mà các sinh viên quốc tế cần có, kỹ năng ghi những ý chính (taking note).

Có thể trong những ngày đầu học tập, bạn khó có thể nghe rõ tất cả những gì giảng viên nói (cũng có thể do cách phát âm tiếng địa phương của giáo viên), bạn nên chọn những chỗ ngồi gần phía giáo viên để bắt kịp với bài giảng của giáo viên một cách dễ dàng hơn và cũng khiến bạn tập trung hơn. Trong quá trình nghe giảng bạn cũng nên chú những những điều mà giảng viên nhấn mạnh, hay lặp đi lặp lại. Đó chắc chắn là những điều quan trọng có thể có trong bài thi.