SUMO – Những điều chưa biết(Phần 2)

SUMO – Những điều chưa biết(Phần 2)

2021.01.12

Bữa ăn của các SUMO

Để trở thành Sumo phải có cân nặng ít nhất là 120 kg vì thế những võ sĩ phải trải qua quá trình vỗ béo vô cùng gian khổ. Một võ sĩ có thể ăn tới năm kí thịt và mười bát cơm mỗi bữa là chuyện bình thường với những người trong giới Sumo bởi với họ cân nặng là một yếu tố quan trọng cho sự nghiệp Sumo của mình. Theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, các Sumo chỉ ăn hai bữa một ngày là bữa trưa và bữa tối. Những thực phẩm chính trong bữa ăn hằng ngày của một võ sĩ Sumo sẽ bao gồm thịt bò, cá, đậu nành, rau và nhiều món có hàm lượng dinh dưỡng cao. Sau bữa ăn, các sumo còn ăn thêm rất nhiều bánh ngọt và kem để lên cân nhanh chóng. Dù là ăn gì thì một món không thể thiếu trong thực đơn mỗi ngày của một Sumo chính là món Chanko.

Chanko bắt nguồn từ món thịt hầm chỉ khác rằng Chanko trong thực đơn của Sumo chính là một nồi nước dùng thường là từ gà, sau đó bất cứ thứ gì cũng có thể bỏ vào nấu từ các lọai thịt, đến rau, cá và cả đậu hũ. Chế độ ăn của các võ sĩ Sumo được lên kế hoạch một cách khoa học để họ có cân nặng hợp lý. Mỗi Sumo cần tới 20.000 calo mỗi ngày, trong khi người bình thường chỉ cần 3.000- 3.500 calo. Đạt tiêu chuẩn cân nặng là một phần quan trọng trong quá trình luyện tập của Sumo. Các lực sĩ Sumo tuy có thể trọng đáng nể lại nhưng họ không phải là những người mắc bệnh béo phì. Đa số họ đều có lượng mỡ dưới 30% trọng lượng cơ thể nghĩa là béo hơn người bình thường nhưng không phải béo bệnh. Sức khỏe của một Sumo luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu tại các nơi đào tạo, mỗi năm các võ sĩ đều phải trải qua các cuộc khám sức khỏe định kì để tránh mắc phải các bệnh về tim mạch.

.

.

Võ đài và các nghi lễ của môn võ Sumo

Võ đài là một nền đất vuông cao, với vòng rơm bện rộng 4,55 mét chôn một nửa duới đất. Mái che mô phỏng theo kiến trúc của mái đền Thần Đạo. Điều này thể hiện sức ảnh hưởng mạnh mẽ của tín ngưỡng Thần Đạo trong Sumo. Một nét đặc sắc của Sumo chính là các nghi lễ truyền thống trang nghiêm, đầy màu sắc mà không có bất cứ môn thể thao nào khác có.

Một trong số đó là nghi lễ Dohyo-iri, được thực hiện bốn lần trong mỗi ngày thi đất, hai lần cho đẳng cấp Juryo và hai lần với đẳng cấp Makuuchi. Các võ sĩ sẽ mặc Kesho-mawashi, một chiếc tạp dề được trang trí công phu bằng các hình thêu với đường viền bằng vàng và một Yokozuna sẽ thực hiện các nghi thức hướng tới thần linh và xua đuổi ma quỷ khỏi sân đấu bằng muối.
Một nghi lễ khác nữa là diễn ra vào cuối ngày thi đấu sau trận cuối cùng. Một Makuuchi được chọn sẽ lên sàn đấu và nhận chiếc cung từ trọng tài và thực hiện điệu múa với chiếc cung. Nghi lễ này bắt nguồn từ thời Edo khi một võ sĩ Sumo thắng trận đã được ban tặng một chiếc cung và ông đã thực hiện điệu múa này diễn đạt niềm vui chiến thắng.

Trái hẳn với lúc thi đấu tóc búi lên đóng khố, khi thực hiện các nghi lễ này, tất cả võ sĩ Sumo đều phải mặc thêm một khăn lớn phía truớc gọi là “kesho-mawashi” bản to thật dày với hoa văn riêng của từng võ sĩ và trang trí các hoa văn trong Thần Ðạo.
Trước mỗi trận đấu là nghi thức giậm chân và khởi động của hai võ sĩ. Tiếp đó là lễ tẩy uế trong Thần đạo hay còn gọi là lễ ném muối. Hai đấu sĩ tiến về góc

đài, bốc một nắm muối ném vào sàn đấu, rồi cúi xuống nhìn nhau trừng trừng. Phong cách riêng và uy lực của từng võ sĩ được thể hiện rõ nét ngay từ cái nhìn đầu tiên này. Sau khi lễ kết thúc, hai võ sĩ dùng hết sức mạnh lao vào nhau với cú đầu tiên gọi là Tachi-Ai, nếu chỉ có một bên động thủ thì phải đấu lại từ đầu.

.

.

Sơ lược về luật đấu trong Sumo

Các võ sĩ chỉ được phép kéo dây đai của đối thủ, không được phép kéo dây đeo quanh háng, không cho phép dùng đòn đá, đòn cùi chỏ, không được nắm tóc, không được đấm, không được tấn công hạ bộ nhưng được húc vào người đối thủ, được ngáng chân thậm chí được tát vào mặt đối thủ…
Người thắng là người đẩy được đối thủ ra khỏi vòng tròn (dohyou) hoặc làm cho một bộ phận trên người đối thủ (trừ lòng bàn chân) chạm đất. Hiếm khi trọng tài phải phân xử và quyết định người thắng trận khi cả hai võ sĩ chạm đất gần như cùng một lúc và khi đó, người chạm đất trước sẽ giành được phần thắng. Trọng tài chính trên võ đài được gọi là Gyoji sẽ mặc trang phục truyền thống Thần đạo, tay cầm thẻ lệnh trông giống cái “quạt” gọi là “gunbai” để ra lệnh. Bốn góc có 4 trọng tài phụ, đều là các tay võ sĩ nổi tiếng đã về hưu. Nếu bất cứ võ sĩ nào có dấu hiệu mệt mỏi hay bế tắc, trọng tài sẽ đến động viên họ.
 
Điểm đặc biệt thú vị ở Sumo so với Boxing và các môn đấu vật phương Tây là không hề có quy định về hạng cân. 
Một võ sĩ Sumo có khi đối đầu với đối thủ nặng gấp đôi trọng lượng của mình. Do đó khán rất thích thù khi xem trận đấu giữa một võ sĩ nhẹ cân hơn, thấp hơn đấu với võ sĩ to hơn và không phải lúc nào kẻ to lớn hơn cũng thắng bởi chỉ cần võ sĩ nào nhanh nhẹn, khỏe hơn và vào đòn tốt hơn thì đều sẽ có cơ hội chiến thắng.
Thông thường giá vé vào cửa hạng nhất để xem một trận đấu Sumo là 45.000 Yen (300 USD). Khán giả có khi còn tặng tiền cho trận đấu nếu có võ sĩ mình ái mộ. Nếu thắng trận đó thì đương nhiên võ sĩ được ái mộ đó nhận tiền, nếu thua thì khoản tiền ấy sẽ về tay địch thủ.
Trên đây là những thông tin cần thiết cho những ai muốn biết và tìm hiểu về môn võ thuyền thống Nhật Bản – Sumo này. Nếu có cơ hội hoặc thời gian thì hãy một lần đến tham quan các nơi diễn ra các trận đấu Sumo và hơn nữa là có thể tận mắt chứng kiến xem một trận đấu môn võ Sumo diễn ra như thế nào nhé.