ĐỪNG ĐỂ MẾCH LÒNG ĐỒNG NGHIỆP

ĐỪNG ĐỂ MẾCH LÒNG ĐỒNG NGHIỆP

2022.02.10

 

Việc tạo dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp ở nơi làm việc luôn là một trong những nỗi lo lắng của nhiều người khi đi làm. Đặc biệt đối với những người nước ngoài khi làm việc tại Nhật Bản việc này còn trở nên khó khăn hơn rất nhiều bởi những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, cách làm việc, v.v. Tuy nhiên, chỉ cần nắm được một vài bí kíp trong giao tiếp với người Nhật. bạn có thể tạo tiền đề cho việc xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp.

 

A. Văn hóa doanh nghiệp đặc trưng của Nhật Bản:

 

Japanese company meeting

 

Khi làm việc tại Nhật Bản, bạn cần hiểu rõ những điểm đặc trưng trong văn hóa doanh nghiệp. Dưới đây là một số điểm bạn cần lưu ý khi làm việc tại Nhật Bản:

  • Thời gian nghiêm ngặt.
  • Mối quan hệ trên dưới rõ ràng.
  • Tôn trọng ý kiến cấp trên, tiền bối.

B. Xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp người Nhật cần chú ý điều gì?


1. Không đến muộn:

 

cô gái đang xem đồng hồ

 

Các công ty của Nhật Bản có quy định rất nghiêm ngặt về thời gian. Ví dụ như giờ làm việc quy định là 9:00 thì về cơ bản, 8:50 bạn đã phải chuẩn bị sẵn sàng và ngồi vào bàn làm việc rồi. Việc tham gia cuộc họp cũng không cho phép đến muộn, trừ khi có lý do đặc biệt. Người Nhật không có quy định cụ thể nhưng họ có thói quen đến trước 10 phút.

2. Chào hỏi rõ ràng:

 

cô gái đang vẫy tay chào

Sẽ không quá lời khi nói rằng chào hỏi là yếu tố đầu tiên quyết định việc bạn có thể xây dựng một mối quan hệ thành công hay không. Chào hỏi để công nhận sự tồn tại lẫn nhau, giúp tạo dựng tin tưởng đôi bên. Đặc biệt, trong các công ty Nhật Bản, mối quan hệ trên dưới rất rõ ràng, nên khi đến nơi làm việc hoặc trước khi ra về, bạn nên chú ý chủ động chào hỏi mọi người.

3. Không nên quá áp đặt ý kiến cá nhân:


nhân viên trong công ty đang trò chuyện với nhau

 

Các công ty Nhật luôn coi trọng sự hợp tác. Việc nêu ý kiến cá nhân đương nhiên là rất tốt, nhưng nếu bạn quá áp đặt ý kiến đó thì sẽ tạo ra phản ứng không tốt với mọi người xung quanh. Thông thường người Nhật thường mong muốn đồng nghiệp hoặc nhân viên của họ là người biết tôn trọng ý kiến của cấp trên và tiền bối.

4. Tránh nói quá nhiều về bản thân:


hai cô gái đang xem điện thoại

 

Ở các công ty Nhật, khi nói quá nhiều về chuyện cá nhân, mọi người sẽ nghĩ bạn là người không nghiêm túc và chăm chỉ. Người Nhật thường làm việc trong yên lặng, do đó, bạn nên tránh các câu chuyện riêng trong công việc. Ngoài ra, bạn cũng đừng sử dụng điện thoại di động nếu không phải giờ nghỉ.

5. Ghi nhớ cụm từ “Ho-ren-so” (Báo cáo – Liên lạc – Trao đổi):


nhân viên đang trao đổi với cấp trên

 

Một đặc trưng khác chính là hầu hết thành công trong công việc đều đến từ việc hoạt động nhóm, chứ không phải từ các cá nhân. Để nhóm làm việc suôn sẻ thì việc thường xuyên liên lạc, báo cáo tiến độ công việc, trao đổi khi có thắc mắc là điều rất quan trọng.

6. Tránh những câu hỏi riêng tư:


nhân viên công ty đang trò chuyện với nhau

 

Ở nhiều nơi, bạn không nên hỏi những câu như “Đã lập gia đình chưa?” “Bao nhiêu tuổi?” “Có con chưa?”. Ngược lại, có những nơi mọi người rất thân thiết với nhau, thích chia sẻ và thăm hỏi những chuyện cá nhân, riêng tư của nhau. 

Bạn cần biết rằng những câu hỏi cá nhân sẽ được tiếp nhận theo những cách khác nhau ở những địa phương khác nhau, nên nếu chưa hiểu về văn hóa khu vực đó tốt hơn là bạn nên tránh hỏi những vấn đề cá nhân của đối phương.

7. Trao đổi với cấp trên và đồng nghiệp nếu muốn nghỉ dài ngày:


lịch

 

Mặc dù công ty có quy định nghỉ phép nhưng thực tế rất khó xin nghỉ. Lý do của việc này là “công việc quá nhiều” và sẽ phải bàn giao công việc của mình cho ai đó trong thời gian nghỉ bởi như đã đề cập về thói quen làm việc nhóm ở trên. 

Vì vậy, khi có ý định xin nghỉ, bạn cần phải trao đổi với cấp trên, tiền bối và các đồng nghiệp trong nhóm để điều chỉnh thời gian cho phù hợp.

8. Mua quà cho đồng nghiệp khi đi du lịch:


cô gái đang chọn quà lưu niệm

 

Có nhiều lý do để xin nghỉ phép, nhưng nếu là đi du lịch, bạn hãy nhớ mua quà khi trở về. Tốt nhất là mua bánh kẹo có nhiều gói nhỏ. Nhật Bản có văn hóa tặng quà cho đồng nghiệp trong công ty để thể hiện thể hiện sự biết ơn vì mọi người đã tạo điều kiện cho bạn nghỉ phép.

9. Quan sát không khí xung quanh và cảm nhận:


cô gái đang nhìn

 

Người Nhật có tính cách tương đối hướng nội và ít nói. Họ thường trả lời không rõ ràng, chứ ít khi nói thẳng ra là CÓ hay KHÔNG. Ngay cả khi không thích điều gì đó, họ cũng sẽ không bao giờ nói ra là họ không thích. Vì vậy, bạn cần phải hiểu cảm xúc của người Nhật và đọc được bầu không khí đang xảy ra lúc đó.

10. Chú ý với cách nói lòng vòng:


nhân viên công ty đang trò chuyện với nhau

 

Như đã nói ở trên, người Nhật thường có xu hướng không thể hiện cảm xúc rõ ràng ra ngoài. Họ nghĩ rằng nếu nói thẳng quá thì có thể làm tổn thương đối phương hoặc bị cho rằng bản thân là người không biết suy nghĩ đến người khác. 

Để hòa hợp với người Nhật, tốt nhất bạn nên tránh nêu ý kiến cá nhân một cách quá thẳng thắn, có thể lựa chọn cách nói khác gián tiếp hơn để khiến cho đối phương cảm thấy thoải mái.

11. Bữa trưa giúp rút ngắn khoảng cách:


đồng nghiệp đang ăn trưa cùng nhau

 

Ăn trưa cùng nhau không chỉ giúp bạn thư giãn mà còn giúp bạn hiểu rõ hơn về đối phương. Tuy nhiên, một số người Nhật thường tranh thủ giải quyết việc riêng trong giờ nghỉ như đến bưu điện hoặc ngân hàng. Ngoài ra, một số người muốn ăn trưa một mình, vì vậy đừng ép mời đối phương mà hãy thử hỏi “Ngày mai, anh/chị có muốn cùng ăn trưa không?”. 

12. Chủ động học tiếng Nhật và văn hóa ứng xử của người Nhật:


nhân viên công ty đang trò chuyện với nhau

 

Khi bạn thể hiện hiểu biết về Nhật Bản thì bạn có thể tạo ấn tượng tích cực trong mắt mọi người. Bạn hãy tranh thủ giờ ăn trưa, thử chủ động hỏi về tiếng Nhật, cách cư xử đúng và văn hóa Nhật Bản, v.v. 

Khi bạn giới thiệu về đất nước mình, bạn nên có hiểu biết sâu sắc về cả 2 quốc gia, và qua đó bạn sẽ có thể xây dựng được mối quan hệ tốt hơn với đồng nghiệp.

13. Chủ động tham gia các bữa tiệc: 


bữa tiệc

 

Các công ty Nhật thường tổ chức các bữa tiệc ăn uống quy mô lớn khoảng 3 lần mỗi năm. “Bonenkai (tiệc cuối năm)” là dịp để mọi người nghỉ giải lao, quên đi những vất vả trong suốt một năm, “Shinnenkai (tiệc đầu năm)” để chúc mừng cho khởi đầu của năm mới, “Kangeikai (tiệc chào mừng nhân viên mới)” là bữa tiệc để mừng những người mới gia nhập công ty.

Các bữa tiệc này sẽ có sự tham gia của cấp trên, nhân viên cũ, và là dịp quan trọng để mọi người giao lưu, chia sẻ, thu hẹp khoảng cách với nhau hơn. Nên nếu có cơ hội bạn đừng bỏ lỡ những bữa tiệc quan trọng này nhé!

 

Nếu bạn đang làm việc tại Nhật Bản và đang gặp rắc rối trong mối quan hệ với đồng nghiệp ở nơi công sở thì hãy đọc và suy nghĩ về những nội dung chúng tôi đã đề cập trong bài viết này. Mặc dù vậy, bạn cũng không cần phải quá ép buộc bản thân mình, bởi nếu bạn không cảm thấy thoải mái thì cho dù bạn có làm vừa lòng đối phương đi nữa thì đó cũng không thể được coi là mối quan hệ tốt đẹp được.