Những món ăn nổi tiếng bạn không nên bỏ lỡ khi đến Nhật Bản (Phần 2: Kyoto)

Những món ăn nổi tiếng bạn không nên bỏ lỡ khi đến Nhật Bản (Phần 2: Kyoto)

2020.12.04

Khi nhắc đến ẩm thực Nhật Bản, chắc hẳn không ít trong số chúng ta sẽ nghĩ ngay đến “Sushi” – một món ăn đã làm rạng danh đất nước mặt trời mọc trên khắp thế giới, tuy nhiên, “Sushi” không phải là thứ duy nhất bạn có thể thưởng thức tại Nhật Bản. Vì vậy, trong chuỗi bài viết “Những món ăn nổi tiếng bạn không nên bỏ lỡ khi đến Nhật Bản”, mình sẽ giới thiệu 5 món ăn nổi bật của từng vùng trên khắp xứ sở hoa anh đào này. Hãy cùng mình khám phá Phần 1 của ngày hôm nay nhé!

Nằm trên đảo Honshu, cố đô cổ kính Kyoto của Nhật Bản đã và đang thu hút rất nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới bởi cảnh sắc tươi đẹp, hoa anh đào danh tiếng và nhiều đền chùa thanh tịnh. Với chiều dài lịch sử là thủ đô nước Nhật hơn 1000 năm, Kyoto nổi tiếng với nhiều đền chùa, thắng cảnh đẹp mà không nơi nào trên xứ sở mặt trời mọc này có được. Ngoài ra, ẩm thực ở Kyoto cũng không thua kém gì so với cảnh sắc nơi đây, vì vậy, hôm nay, hãy cùng mình khám phá “Top 5 món ăn nổi tiếng bạn nhất định phải thử khi đặt chân đến Kyoto” nhé!

 

1.Yudofu (Đậu phụ luộc):

Chắc chắn có nhiều người khi nhìn thấy cái tên “Đậu phụ luộc” sẽ nghĩ đây là một món ăn “đơn giản” và “nhạt nhẽo”, tuy nhiên, đừng vội đánh giá Yudofu chỉ qua cái tên của nó nhé.

Ở Nhật Bản, có lẽ không có món ăn nào “đủ tầm” để tượng trưng cho Kyoto ngoài Yudofu. Thành phần chính tạo nên món Yudofu bao gồm: tảo bẹ, đậu phụ, nước và nước chấm. Quy trình làm món “Đậu phụ luộc kiểu Nhật” này cũng hết sức đơn giản, bạn chỉ cần đặt tảo bẹ ở dưới đáy nồi, sau đó, thêm đậu phụ, đổ nước và đun nóng đến khi sôi là xong. Để thưởng thức Yudofu, bạn chỉ cần múc đậu ra bát và ăn cùng nước chấm làm từ sốt ponzu. Mặc dù cả nguyên liệu cũng như cách chế biến đều đơn giản, nhưng Yudofu lại luôn mang đến cho những người trải nghiệm nó một cảm giác hết sức “thanh tao” nhưng không kém phần “đằm thắm”.
.
.

2.Hamo:

Cá Hamo (hay một loại lươn biển) được coi là món quà thượng hạng đến từ biển cả theo quan niệm của người Nhật. Không chỉ giàu hàm lượng dinh dưỡng, cá hamo được người dân xứ phù Tang yêu thích bởi hương vị đặc biệt thơm ngon, thịt cá trắng tinh và ngọt nhẹ ở đầu lưỡi khi thưởng thức. Cá Hamo trở thành món ăn phổ biến vào giữa tháng 7 khi
Mùa mưa Tsuyu梅雨
kết thúc. Đây cũng là mùa cá Hamo đẻ trứng nên thịt của chúng rất béo và đậm chất dinh dưỡng.

Ngoài ra, công đoạn chế biến cá Hamo cũng khá khó khăn bởi chúng có rất nhiều xương ‘dăm’ nhỏ như kim khâu. Vì vậy, đằng sau những món cá Hamo ngon lành không chỉ là sự kỳ công chuẩn bị mà còn là nghệ thuật chế biến tài ba của người đầu bếp Nhật Bản. Đặc biệt, cá Hamo có rất nhiều cách chế biến từ nướng, lẩu cho đến sashimi. Tuy nhiên, cách ăn để giữ được trọn vẹn nhất hương vị đặc biệt của Hamo là nhúng nhanh những miếng cá đã qua chế biến vào nước muối đã đun sôi, sau đó đặt chúng lên trên những viên đá lạnh và ăn cùng nước sốt làm từ cốt mận ngâm. Thực khách sau khi thưởng thức món cá Hamo này có thể cảm thấy dịu mát hẳn so với cái nắng nóng của mùa hè ở Nhật Bản.

.

.

3.Tsukemono (Dưa muối Nhật Bản):

Đã từ rất lâu, trước khi chiếc tủ lạnh đầu tiên trên thế giới ra đời, người dân Nhật Bản đã bảo quản rau củ bằng cách ngâm chúng trong muối. Năm 794, Kyoto (lúc đó được gọi là Heian-kyō) được chọn làm kinh đô mới của triều đình Nhật Bản, kể từ đây, gần như tất cả các mặt hàng ở xứ phù Tang đều có mặt ở Kyoto, trong đó có Tsukemono.

Có 3 loại dưa muối được coi là những Tsukemono hàng đầu của Kyoto, đó là: Shibazuke, Senmaizuke và Sugukizuke. Cụ thể, Shibazuke là sự kết hợp của dưa chuột, cà tím, tía tô đỏ, cả 3 thành phần trên được ngâm cùng với nhau đã tạo nên độ “giòn” và vị “cay nồng” đặc trưng của Shibazuke. Tiếp theo là Senmaizuke, Senmaizuke có nghĩa đen là “Hàng nghìn lớp dưa muối”. Củ cải Shogoin tròn, to được cắt thành nhiều lát dày chỉ vài milimet và ngâm cùng với tảo bẹ khô. Đến với loại dưa muối cuối cùng – Sugukizuke, người ta lại sử dụng một loại củ cải khác gọi là Sugukina. Củ cải Sugukina đầu nhỏ, lá dài này được nuôi trồng dưới điều kiện vô cùng nghiêm ngặt trong hơn một thế kỷ và chỉ có ở những khu vực xung quanh đền Kamigamo. Sau khi được tuyển chọn kỹ lưỡng, Sugukina sẽ được ngâm muối cẩn thận để mang đến cho người thưởng thức độ chua một cách tự nhiên nhất.
.
.

4.Matcha:

Ngoài Yudofu, cố đô Kyoto còn được biết đến với cái tên khác – “Thủ phủ của trà đạo”. Nói cách khác, đời sống của người dân Kyoto có một kết nối vô cùng mãnh liệt và chặt chẽ với Matcha. Bạn có thể tìm thấy vô vàn các món ăn làm từ Matcha ở Kyoto, từ trà, kem, bánh,…, đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm khó quên cho những ai yêu quý hương vị vô cùng đặc biệt của xứ sở hoa anh đào này.
Matcha được tôn vinh như một hương vị trà hảo hạng, cao cấp nhất của Nhật Bản. Hương vị đặc biệt của Matcha chính ở những lá trà tươi được nuôi trồng dưới các điều kiện nghiêm ngặt nhất. Tiếp đó là quá trình sấy khô và nghiền vô cùng cẩn thận, để rồi cuối cùng, màu sắc, hương vị, mùi thơm, dinh dưỡng được gói gọn và lưu trữ trọn vẹn trong Matcha. Bạn có thể thưởng thức Matcha ở bất kỳ đâu tại Kyoto, từ các nhà hàng sang trọng đến các khuôn viên ngôi chùa cổ kính, thanh tịnh.
.
.
5.Yatsuhashi:
Món ăn cuối cùng trong “Top 5 món ăn nổi tiếng bạn nhất định phải thử khi đặt chân đến Kyoto” chính là Yatsuhashi. Không kém cạnh so với 4 món ăn kể trên, Yatsuhashi của Kyoto đối với người dân Nhật Bản được coi là món quà lưu niệm không thể thiếu mỗi khi đặt chân đến đây. Yatsuhashi có thành phần làm từ bột gạo, đường và quế Nikki của Nhật. Hỗn hợp này sẽ được hấp, rồi trải đều ra thành từng lớp mỏng giống bánh tráng của Việt Nam và cuối cùng được nướng lên cho tới khi chuyển sang màu vàng cánh gián vừa giòn, vừa thơm. Loại Yatsuhashi này xuất hiện ở Nhật Bản từ năm 1689.
Vào những năm 1960, phiên bản đầu tiên của món ăn này là Nama-Yatsuhashi đã được tạo ra. Tuy nhiên, khác với Yatsuhashi ngày nay, Nama-Yatsuhashi có hình dạng thô và dày hơn. Đối với loại này, hỗn hợp gồm bột gạo, đường và quế Nikki không được nướng lên. Bột mềm sẽ được cắt thành những hình vuông và sau đó, gấp lại thành hình tam giác để gói các viên bột đậu ngọt ở bên trong. Ngoài vị quế, Yatsuhashi còn có 2 vị khá phổ biến khác là Matcha và vừng. Nếu cảm thấy nhân bột đậu ở trong quá ngọt, bạn có thể mua Yatsuhashi mà không cần nhân, hương vị của chúng vẫn sẽ rất ngon và đậm đà.