Những món ăn nổi tiếng bạn không nên bỏ lỡ khi đến Nhật Bản (Phần 5: Nara)

Những món ăn nổi tiếng bạn không nên bỏ lỡ khi đến Nhật Bản (Phần 5: Nara)

2021.03.05

Khi nhắc đến ẩm thực Nhật Bản, chắc hẳn không ít trong số chúng ta sẽ nghĩ ngay đến “Sushi” – một món ăn đã làm rạng danh đất nước mặt trời mọc trên khắp thế giới, tuy nhiên, “Sushi” không phải là thứ duy nhất bạn có thể thưởng thức tại Nhật Bản. Vì vậy, trong chuỗi bài viết “Những món ăn nổi tiếng bạn không nên bỏ lỡ khi đến Nhật Bản”, mình sẽ giới thiệu 5 món ăn nổi bật của từng vùng trên khắp xứ sở hoa anh đào này. Hãy cùng mình khám phá Phần 5 của ngày hôm nay nhé!

Khi nhắc đến tên các thủ đô của Nhật Bản, chắc hẳn các bạn sẽ nghĩ ngay đến thành phố Tokyo lộng lẫy hay thủ phủ Kyoto cổ kính. Tuy nhiên, sẽ có ít ai biết rằng Nara cũng từng là kinh đô một thời của xứ sở mặt trời mọc. Trong mắt người dân Nhật Bản, Nara là thành phố “đẹp như tranh vẽ”, chỉ đứng sau Kyoto. Nara nổi tiếng với vẻ đẹp cổ kính, khung cảnh tĩnh lặng của các di tích đền chùa hay sự hài hòa, phong phú của cảnh vật thiên nhiên, đất trời.

Ngoài ra, thành phố Nara còn gây thương nhớ đối khách du lịch trong và ngoài nước bởi những món ăn đặc sắc mang hương vị riêng biệt. Nhiều món ăn truyền thống của Nhật Bản mà chúng ta biết ngày nay đều có nguồn gốc từ Nara, và nếu bạn đã chọn Nara là điểm đến tiếp theo trong chuyến hành trình của mình tại Nhật Bản, thì bài viết về “Top 5 những món ăn nổi tiếng không nên bỏ lỡ khi đến Nara” của ngày hôm nay sẽ giúp bạn “kha khá” đấy!

.

.

1. Kuzu Mochi:

Những ai đã từng đến Nhật sẽ không thể không biết Mochi chính là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của ẩm thực xứ sở hoa anh đào. Mochi có kết cấu khá giống với bánh giầy của Việt Nam nhưng nhỏ và dai hơn rất nhiều. Nhân bánh Mochi thường được làm từ bột đậu đỏ hoặc bột đậu nành nên sẽ có phần hơi “ngọt quá” đối với một số người lần đầu thưởng thức. Món ăn độc đáo này có lịch sử lâu đời ở Nara và thậm chí tới tận bây giờ, du khách còn hay vây quanh các cửa hàng nổi tiếng như Nakatanidou để chứng kiến cách tạo hình Mochi theo kiểu truyền thống là dùng búa gỗ để giã gạo.

Đối với những người sành ăn Mochi, chắc chắn món Kuzu Mochi của thành phố Nara sẽ không thể không có trong danh sách thưởng thức của họ. Thay vì gạo, Kuzu Mochi được làm từ hai thành phần khá đơn giản là: tinh bột kuzu và nước. Kuzu Mochi ngon nhất khi ăn kèm với mật mía đặc, tạo nên sự kết hợp hoàn hảo giữa độ ngọt đặc trưng của mật mía với độ dai nổi tiếng của Kuzu Mochi.

.

.

2. Miwa Somen:

Khu vực Miwa của thành phố Nara được coi là một trong những nguồn nước tinh khiết nhất ở Nhật Bản. Hàng năm, khu vực núi Miwa thu hút rất nhiều đoàn du khách từ khắp nơi trên đất Nhật Bản đến để leo núi và họ đều có chung một mục đích: được một lần uống thứ nước “thần thánh” này. Ngoài ra, sự tinh khiết, thanh tịnh của nước Miwa còn có một công dụng đặc biệt khác, đó là kết hợp với nó với bột mì và muối để tạo ra một loại món ăn đặc biệt – mì Miwa Somen.

Mì Miwa Somen của Nara nổi tiếng với hình dạng mỏng cùng với hương vị vô cùng tinh tế. Thông thường, người ta hay ăn mì Miwa Somen kèm với nước tương, thưởng thức cùng rượu sake ngọt, sau đó ăn thêm các món như dưa chua, rong biển, gừng hoặc các hương liệu khác để mang lại một trải nghiệm vô cùng lôi cuốn vị giác nhưng không kém phần thanh tịnh, tao nhã. Hơn nữa, Mì Miwa Somen ăn nóng hoặc lạnh đều rất ngon!

.

.

3. Kakinoha Zushi:

Từ xưa tới nay, người dân Nhật Bản luôn nổi tiếng với nhiều phương thức bảo quản thực phẩm tươi sống bậc nhất thế giới, đặc biệt là các món liên quan đến cá. Thông thường, để bảo quản cá hoặc các loại thịt tươi sống khác, ta thường dùng muối để ướp. Tuy nhiên, do thời gian vận chuyển từ khu vực đánh bắt đến thủ đô Nara là khá dài nên khi tới nơi, hầu hết thịt cá đã ngấm sạch muối. Điều này thực sự gây khó khăn trong việc chế biến cá sau đó. Vì vậy, người dân Nhật Bản thời Edo đã quyết định thái cá thành những lát mỏng, đặt lên cơm trắng và gói chúng bằng lá hồng (thường được gọi là Sushi cuộn lá hồng). Lá hồng có tác dụng kháng khuẩn rất cao nên không chỉ giúp miếng sushi luôn tươi ngon mà lá hồng còn tạo thêm hương vị mới lạ cho những miếng sushi được cuộn ở bên trong.Và thế là từ đó, món Kakinoha Zushi (Sushi cuộn lá hồng) đã trở thành đặc sản của thành phố Nara tươi đẹp.

Cho tới thời điểm hiện tại, các đầu bếp còn dùng dấm và gạo để lên men trong quá trình chế biến món Kakinoha Zushi này. Hơn nữa, nguyên liệu để làm món cũng ngày càng phong phú, vỏ bọc ở bên ngoài cũng được trang trí cầu kỳ, bắt mắt hơn trước rất nhiều. Trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, Kakinoha Zushi ngày càng được phát triển và phổ biến rộng rãi hơn trước, trở thành một trong những đặc sản của ẩm thực Nara nói riêng và Nhật Bản nói chung. Nếu đã đặt chân đến thành phố Nara, bạn nhất định phải thưởng thức món ăn độc đáo này.

.

.

4. Narazuke:

Chắc hẳn khi nhắc đến đồ ăn thức uống ở Nhật Bản, đa số trong chúng ta sẽ nghĩ ngay đến 2 biểu tượng của ẩm thực Nhật Bản – Sushi và Sake. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, nguồn gốc của “Rượu Sake” chính là ở cố đô Nara xinh đẹp. Tất cả các chuyên gia ở đây đều có chung một ý kiến rằng, loại rượu Sake đầu tiên của Nhật Bản hay còn có một cái tên gọi khác là sōbōshu (僧坊酒) và công thức để tạo nên các loại đồ uống hiện nay đều bắt nguồn từ Nara. Chẳng ngoa khi họ có những nhận định trên vì Nara thực chất chính là nơi quy tụ tinh hoa ẩm thực, văn hóa đầu tiên của xứ Phù Tang. 

Tuy nhiên, một vấn đề nhỏ trong quá trình làm ra rượu Sake chính là lớp cặn còn sót lại dưới đáy mỗi bình chứa rượu. Để giải quyết vấn đề này, người dân Nhật Bản đã tận dụng phần cặn đó để muối dưa, và tất nhiên, mùi vị của những miếng dưa muối sau khi ngâm với cặn rượu vô cùng đặc biệt. Đặc biệt hơn, để đạt đến độ “chín” của hương vị, Narazuke phải được ngâm muối trong vòng 3 năm. Có thể thấy được một điều thú vị rằng so với vài hớp rượu Sake không quá 3 giây thì người Nhật phải đợi những 3 năm ròng để có những miếng dưa muối Narazuke vừa giòn vừa thơm.

.

.

5. Chagayu:

Nara không chỉ là nguồn cội của rượu sake cổ xưa, nơi đây còn có một truyền thống gắn liền với trà xanh, đặc biệt là trà Yamato huyền thoại được cho là có từ những năm 800 – 810. Tương truyền rằng, có một nhà sư tên là Kuukai đã mang những lá trà tươi từ Trung Quốc trở về Nhật Bản, và sau đó, người dân Nara đã trở nên phát cuồng với thức uống làm từ những chiếc lá màu xanh này, đến nỗi xuất hiện một nền văn hóa độc đáo xung quanh việc thưởng thức trà. Sau này, Một cư dân của Nara, Murata Jukou, đã phát triển văn hóa đó thành nguyên mẫu của Trà đạo hiện đại.

Một trong những cách sử dụng lâu đời nhất của thức uống này là ở dạng cháo gạo gọi là Chagayu. Trong khi nguyên liệu chủ đạo vẫn là trà xanh, người dân Nhật Bản qua nhiều thời kỳ đã tạo nên các loại biến thể khác của Chagayu là Hojicha, Sencha và Bancha. Đã từ rất rất lâu, món Chagayu này luôn có một kết nối vô cùng mãnh liệt với người dân Nara. Một người dân Nara “chính hiệu” sẽ luôn bắt đầu một ngày mới với một bát Chagayu ở trên bàn ăn!