KHI BỊ LỪA ĐẢO Ở NHẬT NÊN LÀM GÌ

KHI BỊ LỪA ĐẢO Ở NHẬT NÊN LÀM GÌ

2022.02.03

Khi mới sang Nhật, nhiều bạn chưa quen với cuộc sống, cách sinh hoạt, đăng kí các dịch vụ. Chính vì lạ nước lạ cái nên dễ trở thành đối tượng tiềm năng của những kẻ lừa đảo. Nếu chẳng may trở thành nạn nhân bị lừa đảo, bạn cần phải xử lý như thế nào? 

1. Lừa thông tin mua điện thoại

Nhiều bạn khi mới sang, do vốn tiếng Nhật chưa tốt cũng như chưa hiểu các vấn đề liên quan đến thủ tục nên thường nhờ người quen dẫn đi mua điện thoại. Khi đăng ký điện thoại ở Nhật, các bạn cần phải cung cấp các loại giấy tờ cá nhân liên quan để đăng ký (như thẻ ngoại kiều, dấu cá nhân, sổ ngân hàng, thẻ bảo hiểm).

Chính vì vậy, nhiều thành phần dù mang tiếng giúp bạn đi đăng ký nhưng thật ra đã lấy trộm thông tin của bạn để đi đăng ký với nhà mạng những sản phẩm đắt tiền khác. Rồi đến tháng bạn sẽ phải trả tiền qua thẻ ngân hàng vì thông tin đăng ký là của bạn !

Có rất nhiều bạn mới sang bị những người khác dễ dàng lừa bằng hình thức này. Hoảng loạn khi nhận thông báo phải trả mấy chục man tháng đầu tiên, một số ít bạn không muốn liên lụy đến visa sau này nên sẽ trả hết, hoặc nhiều bạn đành mặc kệ những tờ phiếu thanh toán được gửi về dưới tên mình.

Khi rơi vào trường hợp này, bạn hãy liên lạc ngay với nhà mạng để xác minh thông tin và nhận sự giúp đỡ trực tiếp từ nhà mạng để hủy những gói dịch vụ bị lừa và tìm cách khắc phục khoản tiền đã bị lừa. Đồng thời nếu có bằng chứng ai đó ăn cắp thông tin cá nhân của bạn để đăng ký các gói dịch vụ thì có thể báo công an.

2. Lừa chuyển tiền thuê nhà

Nhà ở cũng là vấn đề khiến nhiều bạn du học sinh quan tâm. 

Có nhiều bạn cả tin dùng Facebook nhờ bạn bè hoặc người không quen biết tìm giúp nhà trọ trước khi sang. Khi nhờ tìm nhà, bạn sẽ bị yêu cầu phải chuyển tiền cọc nhà sang trước. Khi sang đến nơi mới “ngỡ ngàng” biết rằng mình bị lừa không có căn nhà nào hoặc bị cho vào những khu nhà trọ kém chất lượng, không giống với hình ảnh và lời giới thiệu.

Hoặc trường hợp các bạn du học sinh phải chuyển tiền thuê nhà 6 tháng, nhưng các bạn tìm nhà giúp chỉ trả cho chủ tiền phòng 1 tháng. Và khi ở đến tháng thứ 2, bạn mới biết mình “ăn thịt lừa” khi chủ nhà đến đòi tiền tháng thứ 2.

Trong trường hợp bạn đã bị người khác cố tình lừa ngạt như vậy thì cũng rất khó để kiện hoặc cương quyết không chi trả tiền cho những món đồ bị hỏng từ trước hay phải trả thêm tiền thuê trọ. 

Do vậy, để phòng tránh không bị rơi vào tình cảnh éo le như vậy, bạn cần trang bị một thố kiến thức như sau:

  • Hầu hết DHS khi đã được nhà trường đồng ý cho vào học, họ sẽ chuẩn bị chỗ ở cho bạn. Trường hợp bạn không thấy trường nhắc đến, hãy mạnh dạn hỏi hoặc nhờ sự giúp đỡ trực tiếp của thầy cô phụ trách.
  • Nếu đã ở Nhật, trước khi đồng ý thuê trọ, bạn hãy yêu cầu đối phương cung cấp địa chỉ và dẫn đến tận nơi để xác minh rồi mới viết hợp đồng thuê nhà. 
  • Cần đọc kĩ hợp đồng, phải đền bù, đặt cọc, vệ sinh nhà…như thế nào khi rời đi.
  • Trước khi vào trọ, bạn cần chụp ảnh đầy đủ hiện trạng căn nhà và hiện trạng của thiết bị trong nhà. Đó sẽ là những bằng chứng để giúp bạn không phải trả những khoản tiền vô lý. 
  • Bên cạnh đó, tuyệt đối không nhờ một đối phương chuyển hộ tiền mà hãy cùng đối phương gặp trực tiếp chủ nhà hoặc Bất động sản để đưa tiền, ký giấy tờ khi có sự xuất hiện của tất cả các bên. 

3. Lừa giới thiệu việc làm

Tâm lý chung của các bạn du học sinh, TNS mới sang Nhật là muốn tìm việc làm thêm ngay. Lợi dụng điểm này, nhiều người đã bị những bạn khóa trước hay người quen lừa giới thiệu vào nơi làm việc và thu phí giới thiệu là 2-4 man (tương đương 4-6 triệu). Nhiều bạn do năng lực tiếng Nhật kém nên chấp nhận mất tiền giới thiệu việc làm. Và rồi khi làm được khoảng 1-2 tuần thì bị đuổi việc với lý do tiếng kém, làm việc lười…

Các bạn hãy lưu ý rằng không quá khó khăn để tìm kiếm công việc làm thêm. Nếu bạn có năng lực tiếng Nhật tốt thì có rất nhiều nơi tuyển dụng. Hoặc nếu không, bạn có thể tìm kiếm việc làm thêm trên các trang tuyển dụng miễn phí như Townwork, hellowork… Các bạn hãy lấy các cuốn tổng hợp công việc cần tuyển dụng tại nhà ga, bến tàu và gọi điện cho quán, nơi bạn muốn ứng tuyển hoặc đến các trung tâm, chi nhánh của ハローワーク…để được hướng dẫn cũng như tham khảo thêm nhiều việc khác.

Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu thông tin từ nhiều người trước khi đưa ra quyết định có làm việc ở các nơi được người khác giới thiệu không, tránh trường hợp chỉ nghe thông tin truyền đạt từ một phía rồi trở thành nạn nhân bị lợi dụng.

4.Lừa mua vé máy bay

Sau điện thoại thì vé máy bay cũng là “địa bàn” của nhiều đối tượng lừa đảo. Rất nhiều người sử dụng mạng xã hội Facebook để đặt vé máy bay, cung cấp thông tin cá nhân, mua bán… 

Đánh vào tâm lý muốn “săn” vé rẻ của người Việt ở Nhật nói chung, trong quá trình giao dịch, những tài khoản Facebook này sẽ hỗ trợ rất nhiệt tình. Thế nhưng, sau khi chuyển khoản thì…bạn sẽ bị chặn ngay. 

Cũng có trường hợp được xuất vé, đến khi ra đến sân bay mới biết đó là vé “ảo”. Thậm chí là xuất vé thật nhưng trước ngày bay vé đã bị hủy.

Do vậy, bạn cần chuẩn bị sẵn cho mình tâm lý phòng bị và cần tham khảo những nguồn thông tin chính thống trước khi quyết định đặt mua vé máy bay. 

  • Nếu muốn mua vé về Việt Nam, bạn nên tham khảo trực tiếp giá trên website Việt Nam Airline, VietJet Airline, ANA, JAL…các hãng có đường bay về Việt Nam.
  • Nếu là mua vé di chuyển trong Nhật, ở những địa điểm công cộng và các tiện ích cơ bản tại Nhật Bản hầu hết đều có chỉ dẫn bằng nhiều thứ tiếng, nếu không rành tiếng Nhật, bạn có thể sử dụng tiếng Anh hoặc dùng những công cụ dịch tự động khác để truyền đạt mong muốn của mình.

5. Lừa chuyển tiền tay ba về nước

Nhu cầu chuyển tiền về gia đình của người Việt Nam tại Nhật là rất lớn. Tuy nhiên, một số bạn lại ngại chuyển qua các ngân hàng vì tiền phí quá cao, thủ tục khá phức tạp, bị chênh tỷ giá nhiều. 

Từ đó các dịch vụ chuyển tiền tay ba xuất hiện và được nhiều người truyền tai nhau dùng. Hình thức này nghĩa là: Bạn chuyển tiền Yên bên Nhật cho người thứ 3 đang ở Nhật rồi người đó sẽ chuyển tiền VND vào tài khoản người nhà của bạn ở Việt Nam. 

Vì cả tin không chú ý, sau khi chuyển tiền yên cho người đó nhưng người nhà vẫn chưa nhận được tiền và rồi bạn nhận ra đã bị “bùng”. Hoặc nhiều trường hợp nhận được biên lai chuyển tiền đã bị làm giả, hoặc tin nhắn chuyển tiền giả vào số điện thoại người thân…

Các bạn phải đặc biệt lưu ý, việc chuyển tiền tay ba là việc làm phạm pháp. Đây cũng là lý do dù bị lừa, nhiều bạn không dám khai báo thông tin với cảnh sát Nhật vì bạn cũng sẽ bị điều tra nếu liên quan đến vấn nạn chuyển tiền lậu này.  

Hiện có rất nhiều dịch vụ chuyển tiền uy tín như DCOM, SMILES, SBI,…với chi phí chỉ từ 400¥/lần và chuyển hoàn toàn minh bạch, đảm bảo, nhanh chóng. Đừng vì tham gửi tiền miễn phí hay tỷ giá cao mà mất cả số tiền tiết kiệm vài tháng trời, hãy tỉnh táo trước các chiêu trò của bọn lừa đảo nhé !

 

6. Lừa Chuyển Đổi Visa

Thực tế, có không ít DHS sang Nhật với visa du học nhưng chỉ dành thời gian đi làm thêm để kiếm thật nhiều tiền gửi về cho gia đình.

Cho đến khi chuyển sang các hình thức Visa khác, nhưng khả năng bị đánh rớt cao do từng làm quá tiếng (phạm luật) thì các bạn lại cuống cuồng bỏ ra số tiền lên đến 20-30 thậm chí 50 man nhờ luật sư, tổ chức giải trình và chuyển visa. Nhiều bạn nhận được visa nhưng không có việc, hoặc công việc nguy hiểm nặng nhọc khác hẳn khi được giới thiệu, hoặc mức lương thấp… Khiến các bạn rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan “Tiền thì đã nộp mà việc thì không có”.

Do vậy, bạn cần phải sáng suốt trước những kiểu lừa gạt này và luôn nhớ rằng nếu năng lực của bạn chưa đủ thì phải cố gắng cải thiện tiếng Nhật, các bằng cấp chuyên ngành… đừng tin những lời chiêu dụ “Nhật Bản đang già hóa dân số, rất cần nhân lực không cần bằng cấp vẫn có thể qua học tập/làm việc…”. Trên thực tế thì dù dân số có già hóa thì công nghệ của họ vẫn phát triển vẫn cần người tài, nên chuyện sang làm việc, học tập rồi nhận lương cao cho dù không có bằng cấp kĩ năng gì thì thật sự là vô lý !

Mong rằng bài viết trên đây đã cung cấp được những thông tin hữu ích cho các bạn. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe và thành công.