LÀM GÌ KHI GẶP BẠO HÀNH GIA ĐÌNH TẠI NHẬT

LÀM GÌ KHI GẶP BẠO HÀNH GIA ĐÌNH TẠI NHẬT

2022.01.24

Việc sống tại nước ngoài vốn dĩ rất vất vả, nhưng đối với những nạn nhân của nạn bạo hành gia đình (DV), cuộc sống lại càng trở nên khó khăn hơn. Những năm gần đây, trong tiếng Nhật xuất hiện cụm từ ビザDV (Visa DV – bạo hành gia đình liên quan đến visa cư trú), có nghĩa người chồng/vợ người Nhật thường xuyên mang visa ra làm cái cớ để bạo hành về tinh thần hay cả đe doạ tính mạng của người nước ngoài. Vậy cần làm gì khi chính mình là nạn nhân của thực trạng này?

 

 

Để thi hành án bảo vệ và hoặc điều tra thì bằng chứng là điều tối quan trọng. Vậy nên đầu tiên hãy thu thập bằng chứng, có thể là chụp lại hoặc ghi lại 1 đoạn ghi âm trong cuộc ẩu đả/ hành hung sau đó liên hệ với Cơ quan Tư vấn và Hỗ trợ Nạn nhân của Bạo hành Gia đình (Tên tiếng Nhật: 配偶者暴力相談支援センター) nơi gần nhất để được hỗ trợ.

 

Các điều kiện cơ bản để tố tụng bạo hành gia đình dựa theo pháp luật Nhật như sau:

– Nạn nhân chịu tổn thương về thể chất hoặc bị đe doạ tính mạng.

– Có đủ bằng chứng chứng minh nguy cơ nguy hại đến tính mạng hoặc thể chất.

– Có đủ bằng chứng để yêu cầu Lệnh bảo vệ con cái.

– Có đủ bằng chứng để yêu cầu Lệnh bảo vệ người thân.

– Nội dung liên lạc đến Cơ quan Tư vấn và Hỗ trợ Nạn nhân của Bạo hành Gia đình (Tên tiếng Nhật: 配偶者暴力相談支援センター) hoặc cảnh sát gần nhất.

 

A. Các án lệnh về bảo vệ nạn nhân:

Tuỳ từng trường hợp, toà án có thể ra các Án lệnh Bảo vệ nạn nhân của bạo hành gia đình. Án lệnh Bảo vệ có thể bao gồm các nội dung sau:

 

1. Lệnh cấm tiếp xúc nạn nhân: Cấm người bạo hành tiếp xúc nạn nhân, xuất hiện trong các khu vực sống của nạn nhân (trừ trường hợp đó là nơi cũng là khu vực sống của người bạo hành), nơi làm việc cũng như các nơi khác trong vòng 6 tháng.

 

2. Lệnh cấm điện thoại hoặc các hành vi khác bao gồm:

  • Yêu cầu gặp mặt
  • Phát ngôn rằng người bạo hành theo dõi nạn nhân.
  • Hành động hoặc lời nói mang tính bạo lực hoặc thô tục.
  • Gọi điện và im lặng, hoặc gọi điện, gửi fax, gửi tin nhắn, email liên tục (trừ trường hợp khẩn cấp).
  • Gửi đến những thứ khiến nạn nhân thấy khó chịu và ghê tởm như rác hoặc xác động vật chết.
  • Phỉ báng hoặc làm ảnh hưởng danh dự của nạn nhân.
  • Tiết lộ hoặc gửi đến nạn nhân các giấy tờ, ảnh hoặc tư liệu có nội dung dung tục, khiêu dâm, làm nhục nạn nhân.

 

3. Lệnh cấm tiếp xúc với con cái hoặc người thân của nạn nhân: trong khu vực và khoảng thời gian quy định như mục 1 nói trên

 

4. Lệnh chuyển nơi ở: Yêu cầu người bạo hành phải chuyển khỏi nơi đang ở cùng nạn nhân, và không xuất hiện trong khu vực sống của nạn nhân trong vòng 2 tháng.

 

❗Người vi phạm các nội dung của Án lệnh Bảo vệ có thể phải ngồi tù tới 1 năm hoặc phạt tiền tới 1 triệu yên.

 

B. Các chính sách phúc lợi xã hội:

Tuỳ vào tư cách lưu trú, mức thu nhập hay các điều kiện khác, nạn nhân có thể nhận được các chế độ phúc lợi xã hội như dưới đây:

 

1. Bảo hiểm y tế:

Ở Nhật, mọi cá nhân đều có nghĩa vụ tham gia bảo hiểm ở một hình thức nào đó. Bảo hiểm y tế có thể được sử dụng để thăm khám ở các cơ sở y tế đối với các tổn thương về thể chất của nạn nhân. Ngoài ra, để tránh trường hợp người bạo hành phát hiện ra, nạn nhân có thể yêu cầu thay đổi địa chỉ trên các giấy tờ được gửi đến liên quan đến bảo hiểm y tế.

 

2. Chế độ hỗ trợ liên quan đến việc nuôi con:

Đây là các chế độ hỗ trợ dành cho việc nuôi con, có thể áp dụng cho người mẹ hoặc một người thứ ba đang cưu mang con. 

 

3. Chế độ hỗ trợ trong cuộc sống:

Bao gồm hỗ trợ tài chính cũng như các hình thức khác như hỗ trợ cuộc sống, hỗ trợ về giáo dục, y tế để giúp các nạn nhân của bạo hành gia đình có thể ổn định cuộc sống cũng như tìm được việc làm. 

 

❗Các chế độ hỗ trợ này chỉ áp dụng cho những người cư trú hợp pháp tại Nhật Bản.

 

C. Nơi hỗ trợ nạn nhân của bạo hành gia đình?

Các tỉnh, thành phố, địa phương ở Nhật Bản đều có Cơ quan Tư vấn và Hỗ trợ Nạn nhân của Bạo hành Gia đình (Tên tiếng Nhật: 配偶者暴力相談支援センター) thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ, giải cứu nạn nhân của bạo hành gia đình như sau:

 

  1. Tư vấn hoặc giới thiệu các cơ quan tư vấn.
  2. Tư vấn tâm lý.
  3. Cung cấp các biện pháp bảo vệ tạm thời, bảo vệ tính mạng trong các tình huống khẩn cấp cho nạn nhân và các thành viên khác trong gia đình.
  4. Cung cấp thông tin và các hình thức hỗ trợ khác để nạn nhân có thể tự chủ cuộc sống.
  5. Cung cấp thông tin và các hình thức hỗ trợ khác về việc thi hành các Án lệnh bảo vệ.
  6. Cung cấp thông tin và các hình thức hỗ trợ khác về các nơi trú ẩn cho nạn nhân.

🚩Xem danh sách các cơ quan ở đây:

https://www.gender.go.jp/policy/no_violence/e-vaw/soudankikan/pdf/center.pdf

 

D. Các biện pháp hỗ trợ/giải cứu tạm thời:

 

Ngoài tư vấn hỗ trợ, các Trung tâm Tư vấn Phụ nữ (tến tiếng Nhật: 婦人相談所) còn có các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân của bạo hành gia đình. Tại đây, các nạn nhân có thể trú ẩn tạm thời cùng con cái, có cung cấp nơi ở, đồ ăn và hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân. 

 

E. Về tư cách cư trú của nạn nhân người nước ngoài:

 

Về tư cách lưu trú của các nạn nhân bị bạo hành, trong trường hợp muốn gia hạn thời hạn lưu trú hay thay đổi tư cách lưu trú, ngay cả trong trường hợp không có được sự hợp tác từ phía người bạo hành, nạn nhân vẫn có thể xin gia hạn visa. Trong trường hợp này, cần liên hệ Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh gần nhất. Nạn nhân cũng có thể thay đổi tư cách lưu trú nếu muốn tiếp tục sống tại Nhật (để nuôi dưỡng con chung với người Nhật).

 

Cần hết sức lưu ý, nạn nhân người nước ngoài cần liên lạc với Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh nơi gần nhất TRƯỚC KHI hết hạn tư cách lưu trú. Nếu tư cách lưu trú hết hạn mà không có liên lạc, nạn nhân có thể trở thành người vi phạm luật cư trú của Nhật Bản và không nhận được các chế độ hỗ trợ cũng như các chế độ phúc lợi xã hội khác ở Nhật.

 

Tuy nhiên, nạn nhân của nạn buôn người là đối tượng được bảo vệ và sẽ nhận được sự hỗ trợ của các đại sứ quán, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, văn phòng tư vấn phụ nữ và cảnh sát. Liên hệ ngay với các cơ quan này nếu là nạn nhân của nạn buôn người.

 

Ngoài ra, thẻ cư trú là giấy tờ cá nhân. Người bạo hành KHÔNG ĐƯỢC yêu cầu nạn nhân giao thẻ cư trú hay copy thông tin trên thẻ cư trú của nạn nhân, ngay cả khi hai người vẫn đang có quan hệ kết hôn với nhau. Liên hệ với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để được hướng dẫn chi tiết hơn.